Trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng
Quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân là một trong những quyền năng quan trọng mà người tiêu dùng (NTD) cần phải đảm bảo khi tham gia vào các giao dịch với thương nhân trên thị trường. Tuy nhiên thực tế hiện nay đã chỉ ra rằng quyền năng quan trọng này của NTD đang bị xâm hại một cách khá phổ biến bởi các chủ kinh doanh nhằm động cơ trục lợi. Chính vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải tạo ra một cơ chế hiệu quả để NTD có khả năng được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải xác định được một cách chính xác và đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
- Trách nhiệm của chủ thể kinh doanh trong việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của NTD
Khoản 2 Điều 6 Luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 đã quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp thu thập, sử dụng và chuyển giao thông tin của NTD như sau:
“a) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với NTD về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của NTD;
- b) Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với NTD và phải được NTD đồng ý;
- c) Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của NTD;
- d) Tự mình hoặc có biện pháp để NTD cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;
đ) Chỉ được chuyển giao thông tin của NTD cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của NTD, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Với quy định này pháp luật yêu cầu các chủ thể kinh doanh trong toàn bộ quá trình tác động đến thông tin của NTD từ thu thập, quản lý, sử dụng đến chuyển giao thông tin, mọi hành vi bắt buộc phải được tiến hành tường minh và phải được sự đồng ý của NTD. Chủ thể kinh doanh sau khi thu thập được thông tin của NTD một cách hợp pháp thì phải lưu trữ an toàn những thông tin mà mình thu thập được, không làm lộ các thông tin cá nhân của NTD và không được phép chuyển giao thông tin cho bất kỳ một bên thứ ba nào khi NTD chưa đồng ý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thì các chủ thể kinh doanh phải cung cấp các thông tin liên quan đến NTD mặc dù chưa được sự đồng ý của chủ thể thông tin.
Trong số các văn bản QPPL hiện nay có quy định về quyền bí mật thông tin cá nhân nói chung, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 là văn bản quy định tương đối toàn diện về việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, trong đó có việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Văn bản QPPL này cũng quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân (trong đó bao gồm các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh) trong việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân; trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng. Phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn thông tin mạng chỉ quy định các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nhằm đảm bảo thông tin truyền đưa trên mạng được nguyên vẹn, không bị gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại, được bảo đảm bí mật.
* Quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của NTD
Luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD tại Chương 5. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 thì Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Bên cạnh đó, trong các văn bản QPPL chuyên ngành, trách nhiệm này được phân cấp cho nhiều cơ quan nhà nước cùng tham gia, trong đó có các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương như Ủy ban nhân dân các cấp, các bộ quản lý ngành như Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế… Đối với việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân của NTD, trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm này trước hết thuộc về Chính phủ, ngoài ra còn có sự phân công cho Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông… Các cơ quan quản lý nhà nước nói trên có trách nhiệm phối hợp để quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD ở địa phương; tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD cho toàn xã hội.
- Trách nhiệm của các cơ quan tài phán trong việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của NTD
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010, NTD có quyền khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này có nghĩa là khi NTD bị xâm hại về quyền lợi, họ có quyền yêu cầu các cơ quan tài phán bảo vệ quyền lợi cho mình. Ngoài ra, Luật bảo vệ quyền lợi NTD cũng cho phép NTD được lựa chọn phương thức trọng tài, hòa giải hoặc thương lượng để giải quyết tranh chấp.
- Trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của NTD
Còn tại Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã khuyến khích mọi tổ chức xã hội (bao gồm cả Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc…) đều tham gia vào công tác bảo vệ NTD. Theo quy định tại Chương III, Luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010, các tổ chức xã hội bảo vệ NTD bằng cách hướng dẫn, giúp đỡ NTD khi họ yêu cầu; đại diện NTD khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho NTD về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ quyền lợi NTD; thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng.
KẾT LUẬN
Quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD là một trong những quyền quan trọng, đảm bảo cho NTD có thể tham gia vào các quan hệ tiêu dùng một cách an toàn và tránh được những phiền toái, rủi ro không đáng có. Pháp luật Việt Nam đã quy định một cách tương đối toàn diện và đồng bộ về nội dung của quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD. Thông qua việc phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về nội dung quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD, tác giả đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD trong đời sống ./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Việt Hà (2016), Pháp luật Việt Nam về bảo vệ thông tin cá nhân của NTD trong thương mại điện tử, luận văn thạc sỹ, Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội.
Tin mới
- Một vài trao đổi về việc lựa chọn phương pháp tình huống trong tiết dạy học môn giáo dục công dân lớp 12 ở Trường Trung học phổ thông - 15/11/2020 09:54
- Quyền được bảo vệ sự riêng tư theo quy định của pháp luật Việt Nam - 16/10/2020 08:32
- Văn hóa Hồng Lam và văn hóa Thăng Long trong sự hình thành nên tư tưởng Nguyễn Du - 16/10/2020 02:20
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy - học môn GDCD bậc trung học phổ thông bằng phương pháp thảo luận nhóm - 06/09/2020 07:55
- Khoa học xã hội nhân văn Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế - 09/07/2020 03:45
Các tin khác
- Gương đạo đức cách mạng cố tổng bí thư Trần Phú với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên - 15/05/2020 14:59
- Rèn luyện động cơ học tập theo phong cách Hồ Chí Minh cho sinh viên Lào ở Trường Đại học Hà Tĩnh - 15/05/2020 14:17
- Sự cần thiết của việc sửa đổi Luật đất đai 2013 - 15/05/2020 14:09
- Tìm hiểu lịch sử các đại dịch trên thế giới - 14/04/2020 02:00
- Luận về tính tương quan giữa kinh tế tri thức và chủ nghĩa xã hội - 18/02/2020 02:54