Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Rèn luyện động cơ học tập theo phong cách Hồ Chí Minh cho sinh viên Lào ở Trường Đại học Hà Tĩnh

Tác giả: ThS. Phạm Thị Thanh Huyền - Đăng ngày: .

 

Tóm tắt: Bài viết này tập trung làm rõ phong cách học tập Hồ Chí Minh và trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả học tập cho sinh viên Lào trong quá trình học tập tại trường đại học Hà Tĩnh hiện nay đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong tình hình mới.


Đại học Hà Tĩnh là một trong những trường đại học đứng đầu trong cả nước về đào tạo sinh viên Lào. Hàng năm lượng sinh viên Lào theo học các ngành nghề ở trường chiếm số lượng khá lớn. Đa số các em rất ham mê học tập, tích cực tìm tòi, tự học, tự đọc thêm để nâng cao hiểu biết, nâng cao khả năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, do sự bất đồng ngôn ngữ và các trở ngại khác,một số sinh viên vẫn chưa xác định được mục đích, động cơ học tập đúng đắn, đa số còn thiếu kiên trì, sợ khó khăn, chưa tích cực, chủ động tự học, tự rèn luyện… làm cho kết quả học tập chưa cao, thiếu bền vững. Theo đó, rèn luyện phong cách học tập cho sinh viên Lào ở trường đại học Hà Tĩnh theo tấm gương Hồ Chí Minh là đặc biệt cần thiết, góp phần bồi dưỡng phẩm chất, năng lực đặc biệt là bồi dưỡng động cơ, thái độ và phương pháp học tập cho sinh viên nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong xu hướng đổi mới dạy học hiện nay.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là tấm gương sáng ngời về tư tưởng và đạo đức, trí tuệ và tài năng, nhân cách và lối sống mà còn là một mẫu mực kinh điển về phương pháp và phong cách. Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà người đã để lại cho dân tộc và nhân loại. trong đó, phong cách học tập là một bộ phận quan trọng, nó vừa là nhận thức vừa là hành động, vừa là lý luận đồng thời vừa là thực tiễn trong con người Hồ Chí Minh. Phong cách đó được thể hiện ở:

 

Động cơ học tập đúng đắn

 

Động cơ xuyên suốt quá trình học tập của Người là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại” [1, tr.684]. Người học tập suốt đời chỉ để thực hiện ước mơ cháy bỏng là tìm ra con đường cứu nước, cứu dân và cống hiến, hi sinh trọn đời mình cho sự nghiệp độc lập của đất nước, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

 

Thái độ phải hết sức khiêm tốn và  thật thà, không được kiêu ngạo, không được dấu dốt.

 

Để thực hiện ý nguyện cứu nước cứu dân, Hồ Chí Minh luôn có thái độ học tập khiêm tốn, thật thà không kiêu ngạo chủ quan, không giấu dốt, giả dối, biết thì nói biết, không biết thì nói không biết; mạnh dạn tìm tòi, suy nghĩ, kể cả nghi ngờ, phản biện, tranh luận và sẵn sàng thừa nhận sai lầm, sữa chữa thiếu sót. Không chỉ khi còn trẻ mà ngay cả khi đã là nguyên thủ quốc gia, Người vẫn luôn có thái độ học hỏi đúng đắn.

 

Phương pháp học tập khoa học, sáng tạo và hiệu quả

 

Hồ Chí Minh chỉ rõ, phương pháp học tập là vấn đề rất quan trọng, nếu phương pháp khoa học sẽ tiếp cận và thu nhận kiến thức một cách hiệu quả, trái lại cách học tập không đúng kết quả sẽ không có. Người nhấn mạnh: “học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” [2, tr.50], học gắn liền với thực hành là một cách học có hiệu quả nhất; phải luôn có ý thức học tập thường xuyên hàng ngày, trong việc lớn cũng như trong việc nhỏ, học ở thầy cô, học ở bạn bè. Nhất là học phải “lấy tự học làm cốt”, chủ động, sáng tạo nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, có vấn đề chưa thông suốt cần thảo luận, đặt câu hỏi “vì sao”. Tự học, tự rèn luyện đã thực sự trở thành triết lí và hành động sống trong suốt cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh.

 

  1. Một số giải pháp rèn luyện động cơ học tập Hồ Chí Minh cho sinh viên Lào tại trường đại học Hà Tĩnh.

Có thể thấy, sự hòa quyện, đan xen, thâm nhập, hỗ trợ, chi phối lẫn nhau trong một chỉnh thể thống nhất giữa động cơ trong sáng, thái độ đúng mức, phương pháp học tập khoa học, sáng tạo, lấy tự học làm cốt đã tạo nên phong cách riêng có ở Hồ Chí Minh. Phong cách ấy đã trở thành chuẩn mực để người Việt Nam học tập, làm theo, trong đó có học sinh, sinh viên. Để phong cách học tập Hồ Chí Minh có thể đến được với sinh viên nói chung và sinh lào nói riêng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

 

Thứ nhất, xây dựng động cơ học tập đúng đắn

 

Động cơ là cái thôi thúc người học hành động. Để mỗi sinh viên Lào xác định đúng đắn mục đích học tập, nhà trường cần làm tốt công tác giáo dục, định hướng hệ thống chuẩn mực, giá trị tiến bộ cho sinh viên ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào trường; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập; đánh giá kết quả học tập khách quan, trung thực, khuyến khích động cơ học tập; biểu dương, khen thưởng đúng người, đúng việc… từ đó, bồi dưỡng, rèn luyện cho người học mục đích cao cả mà Bác Hồ đã dạy “Học để làm người”. trên cơ sở đó mỗi sinh viên cần cụ thể hóa mục tiêu yêu cầu đào tạo của nhà trường thành chỉ tiêu phấn đấu của bản thân cho từng môn học, học kì, năm học; nhận thức đúng đắn, hợp lý, hiện đại về động cơ học tập; học để biết, học để làm, học để hòa nhập, học để khẳng định mình. Có như vậy, mới tạo được động cơ  mạnh mẽ, gây được hứng thú trong học tập, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

 

Thứ hai, bồi dưỡng tinh thần, thái độ học tập siêng năng, cần cù; nghị lực học tập kiên trì, nỗ lực phấn đấu, không ngại gian khổ.

 

Đây là những giá trị nền tảng của phong cách học tập Hồ Chí Minh. Do đó, các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên cần có nhiều hình thức, biện pháp tạo động lực và đặt ra yêu cầu cao đối với sinh viên; thường xuyên quan tâm động viên, khích lệ các bạn sinh viên toàn tâm, toàn ý, quyết tâm dành thành tích cao trong học tập; đồng thời chủ động tạo ra những thử thách để tiếp tục bồi dưỡng và khảo nghiệm ý chí của người học. Mỗi sinh viên cần rèn luyện ý chí vượt khó, vượt khổ, bồi dưỡng sự tự tin, chủ động, say mê trong học tập và rèn luyện để trở thành những người có ích cho xã hội.

 

Thứ ba, hình thành kĩ năng và phương pháp học tập nghiêm túc, khoa học.

 

Trước hết, những người làm công tác giáo dục cần thay đổi phương pháp học tập từ truyền thụ một chiều sang cách dạy học chủ động, sáng tạo; cần phát huy tính tích cực, tư duy sáng tạo, tự mình tìm ra kiến thức cho người học dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Từ đó, rèn luyện cho sinh viên các kĩ năng và phương pháp học tập trong các khâu nghe giảng, ghi chép và tự học. Khi nghe giảng cần tập trung, liên hệ kiến thức đang nghe, kiến thức đã có với các câu hỏi đã hình dung trước; ghi bài giảng nên có chọn lọc, sử dụng kí hiệu riêng, ghi cả những thắc mắc của mình.

 

Mỗi sinh viên cần nắm vững và phải rèn luyện cho mình những kĩ năng cơ bản như: kĩ năng kế hoạch hóa việc tự học, ôn tập và đọc sách. Quá trình tự học đảm bào phù hợp với lượng thông tin môn học; xen kẽ giữa các hình thức tự học, giữa các giờ học, môn học, giờ nghỉ ngơi. Kĩ năng ôn tập cần chú ý cả nhóm kĩ năng ôn và kĩ năng luyện. Việc ôn bài đó là hoạt động tái tạo lại những tri thức mà thầy cô đã giảng dạy bằng ngôn ngữ của riêng mình. Kĩ năng đọc sách cần phải xác định rõ mục đích, chọn cách đọc phù hợp, khi đọc sách cần tập trung suy nghĩ, ghi chép những kiến thức mình cần. Đi đôi với học kiến thức cơ bản, phải học cách học, cách phát hiện, cách giải quyết vấn đề để từ đó hình thành kĩ năng tự học, tự rèn luyện không chỉ khi đang đi học mà cả sau này khi đã ra trường về nước làm việc.

 

Thứ tư, trau dồi hơn nữa khả năng ngôn ngữ của mình.

 

Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về khả năng ghi nhớ, tự học ngoại ngữ. Chỉ tự học nhưng Người đã biết được rất nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Ý, Nga, Trung Quốc, Đức… Rào cản lớn nhất đối với sinh viên Lào khi theo học tại trường cũng chính là ngôn ngữ, vì vậy, sinh viên cần xây dựng cho mình kế hoạch tự học tập để nâng cao với ngôn ngữ của mình như học ở thầy cô, học ở bạn bè; học bằng cách giao tiếp nhiều với sinh viên Việt Nam; đọc thêm sách, nghe nhạc… từ đó giúp sinh viên Lào bổ sung thêm nhiều từ ngữ mới, hiểu được văn hóa, con người Việt thì việc tiếp thu tri thức sẽ trở nên dễ dàng hơn cho các em sinh viên rất nhiều.

 

Như vậy, chúng ta có thể thấy phong cách học tập Hồ Chí Minh là một trong những tài sản vô giá đối với dân tộc Việt Nam. Rèn luyện phong cách học tập theo tấm gương Hồ Chí Minh là con đường, cách thức và biện pháp tốt nhất, có ý nghĩa thiết thực để mỗi sinh viên Việt và với cả sinh viên Lào đang theo học ở các trường đại học trong nước và đại học Hà Tĩnh nói riêng từng bước hình thành động cơ, mục đích, thái độ học tập đúng đắn, phương pháp học tập sáng tạo, “nói đi đôi với làm”; lý luận gắn liền với thực tiễn, biết làm chủ mình trong mọi hành động; không ngại khó, ngại khổ; tự giác đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, hoàn thiện và phát triển nhân cách, đáp ứng mục tiêu đào tạo trong tình hình mới.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5 (2011), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6 (2011), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8 (2011), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.