Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Khoa học xã hội nhân văn Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Tác giả: NCS. Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Hiện nay, đứng trước nhiều triết lý khác nhau của sự phát triển, ở các nước phương Đông trong đó có Việt Nam việc so sánh tầm quan trọng giữa nhóm ngành khoa học tự nhiên với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn đối với sự phát triển con người và đất nước đã ngày càng trở thành một vấn đề đặc biệt được quan tâm. Việc nhìn nhận đúng đắn vai trò của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có ý nghĩa đặc biệt giúp chúng ta khách quan hơn trong đánh giá, từ đó có những định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển một lĩnh vực đặc biệt này.


Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ các mặt của đời sống xã hội trong đó đặc biệt là kinh tế thì một điều tất yếu sẽ xảy ra đó là xã hội ngày càng nghiêng về nhóm ngành tự nhiên hơn mà xem nhẹ giá trị của ngành xã hội và nhân văn (đặc biệt là văn hoá, triết học, tôn giáo, văn học). Chính điều đó sẽ kéo theo hậu quả là con người dễ dàng đánh mất các giá trị truyền thống của dân tộc. Càng lệ thuộc vào kinh tế, lệ thuộc vào kỹ thuật thì con người sẽ càng bị đẩy sâu vào xã hội tiêu dùng mà ở đó các giá trị nhân văn bị suy thoái và ý thức bản năng được coi trọng. Theo Sun Mei Tang, đây chính là nguy cơ rất lớn đang dành sẵn cho các quốc gia chậm phát triển đang ngỡ ngàng đi trên con đường hiện đại hoá - toàn cầu hoá: “Đứng trước kỹ thuật, con người mất đi sự thần bí và thâm thuý, sự tôn nghiêm của con người lần lượt chịu phải sự thách thức; con người bị kỹ thuật hoá giải thành yếu tố nhỏ đến mức không đáng nhắc đến; nhân cách, giá trị và tính chủ thể của con người bị nuốt chửng. Đó chính là những tiếng chuông báo động về sự khủng hoảng của những giá trị chân - thiện - mỹ mà loài người luôn vươn tới”[2,188].

Bên cạnh đó chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của khoa học xã hội và nhân văn. Đặc thù của nó nghiên cứu các quy luật hình thành và phát triển của xã hội và con người, của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Vì vậy, khoa học xã hội và nhân văn ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia. Trong công cuộc đổi mới đất nước, đóng góp của khoa học xã hội và nhân văn nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đã được Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương Đảng khoá VIII đã chỉ rõ: nhiều kết luận của khoa học xã hội và nhân văn đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới. Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội IX cũng đã khẳng định: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ chuyển biến tích cực, gắn bó hơn với phát triển kinh tế - xã hội.

Đối tượng của Khoa học xã hội nhân văn là các hiện tượng xã hội và hoạt động tinh thần của con người và vì thế khoa học xã hội nhân văn liên quan đến hàng loạt vấn đề: làm rõ sự phải trái, đúng sai trong quan niệm, cung cấp định hướng giá trị, đánh giá quy hoạch chính sách, giảm thiểu tính không xác định và quy phạm hành vi xã hội của con người... Tại nhiều quốc gia, khoa học xã hội nhân văn đã được vận dụng rộng rãi vào công tác quy hoạch chiến lược về phát triển kỹ thuật, kinh tế, xã hội và định ra chính sách của chính phủ, trở thành cơ sở trí lực không thể thiếu được của chỉ đạo khoa học hóa quản lý xã hội.

Từ khi thực hiện chính sách mở cửa, đặc biệt từ khi chính thức hoà mình vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế,  Việt Nam đã không ngừng vận động và có những sự chuyển biến sâu sắc trên hầu khắp các phương diện của xã hội. Sự chuyển biến ấy không đơn thuần chỉ thể hiện trên phương diện kinh tế hay chính trị, mà nó còn thể hiện một cách đậm nét trên phương diện văn hóa. Xét về mặt văn hóa, toàn cầu hóa đang tác động đến những giá trị truyền thống tốt đẹp  theo hai hướng: một mặt, nó tạo điều kiện thuận lợi cho dân tộc ta hình thành và phát triển những giá trị văn hóa mới; mặt khác, nó chứa đựng nguy cơ phá vỡ hoặc làm băng hoại những giá trị văn hóa trong đó có giá trị nhân văn của dân tộc.

Chúng ta cũng không phủ nhận được một thực tế là sự bành trướng của văn hóa Phương Tây, sự du nhập với tốc độ chóng mặt của cái gọi là “văn hóa Mỹ”, “lối sống Mỹ”…đang tấn công vào nền văn hóa của dân tộc trong đó có rất nhiều yếu tố phi nhân văn. Việc sùng bái lối sống ngoại nhập, tư tưởng hưởng lạc, sự coi trọng đồng tiền một cách thái quá đã trở nên phổ biến trong lối sống và nếp nghĩ của con người Việt Nam ngày nay. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện đại đang góp phần truyền bá lối sống sùng bái vật chất, cá nhân, vị kỷ, thực dụng, đua đòi, ăn chơi xa hoa, lãng phí, sống truỵ lạc, thác loạn, ưa dùng bạo lực...xa rời vơi truyền thống của dân tộc Việt Nam. Điều đáng quan tâm là lối sống đó đang phần nào tác động đến một bộ phận nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Do bị kích động bởi việc tiếp xúc với phim ảnh và trò chơi có tính bạo lực qua mạng Internet mà nhiều thanh, thiếu niên đã có những hành động mang tính  hung hãn đi ngược với truyền thống yêu thương con người, nhân ái vị tha của dân tộc Việt Nam. Cùng với tâm lý sùng ngoại, lối sống tự do cá nhân kiểu phương Tây cũng đang xâm nhập khá mạnh vào suy nghĩ và đời sống người Việt Nam hiện nay, nó ảnh hưởng tới tính cố kết cộng đồng của truyền thống Châu Á., những hiện tượng quá đề cao tự do cá nhân, không muốn bị ràng buộc bởi trách nhiệm gia đình không muốn lập gia đình nhưng lại có quan niệm khá thoải mái trong quan hệ nam nữ dẫn tới những hành vi vi phạm giá trị nhân văn gia đình Việt truyền thống, vi phạm lối sống thủy chung son sắt truyền thống của người Việt…Đó chính là biểu hiện của sự xuống cấp về lối sống của một bộ con người Việt Nam hiện nay, là biểu hiện của sự mai một các giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và là những tín hiệu “báo động đỏ” trong đời sống đạo đức. Từ những điều đó dẫn tới nguy cơ xem nhẹ các giá trị truyền thống từ dẫn đến tình trạng không thấy được sự cần thiết của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc thậm chí quay lưng lại và có thái độ coi thường tính kế thừa.

Từ những lý giải đó, chúng ta thấy rằng Khoa học xã hội và nhân văn không cung cấp những kiến thức tuyệt đối chính xác, những nguyên lý rõ ràng như khoa học tự nhiên, nhưng lại cung cấp những những quy luật hợp lý và có ý nghĩa đối với sự phát triển lâu dài của dân tộc đặc biệt đối với sự phát triển toàn diện con người. Đối với những chính sách phát triển kinh tế xã hội thì, những định luật, những nguyên tắc, những tham số không còn là nhân tố then chốt. Việc hoạch định chính sách phát triển cần phải được dựa vào một cơ sở vững chắc để đảm sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của xã hội trong một giai đoạn mới

Đã có một thời gian dài, chúng ta chỉ coi trọng khoa học tự nhiên mà chưa chú ý đúng mức đến khoa học xã hội và nhân văn, nặng về phát triển kỹ thuật, coi nhẹ tinh thần nhân văn. Hiện nay, chúng ta đã có điều chỉnh quan trọng trong nhận thức: tiến bộ toàn diện xã hội chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở phát triển cân đối nhịp nhàng giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần, hiện đại hóa của xã hội là hiện đại hóa cả kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Khoa học xã hội nhân văn là bộ phận hợp thành quan trọng của văn hóa loài người. Vì thế cần làm thế nào để thâm nhập lẫn nhau giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến con người và xã hội hiện đại như Mác đã từng dự đoán: “Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ thâm nhập vào nhau. Đó sẽ là một khoa học - khoa học về con người”. Muốn vậy, Khoa học xã hội và nhân văn cần phải áp dụng những công cụ, phương pháp thực chứng và biện pháp kỹ thuật mang tính hiện đại của khoa học tự nhiên mặt khác khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên cần phải có tinh thần nhân văn, môi trường nhân văn và sử dụng cả những thành quả của khoa học xã hội nhân văn. Làm được điều đó, thiết nghĩ chúng ta sẽ giải được bài toán giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững – một trong những vấn đề then chốt của triết lý phát triển hiện nay trên thế giới.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Friedman, Thomas L (2005), Chiếc xe Lexus và cây ôliu. Toàn cầu hóa là gì? Nxb. KHXH. Hà Nội3. Friedman, Thomas L (2006). Thế giới phẳng. Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI. Nxb. Trẻ

2.Sun Mei Tang [Tôn Mỹ Đường] 2005: Lý luận giá trị văn hoá, NXB Nhân dân Vân Nam (孫美堂 2004: 文化價值論, 雲南人民出版社)

  1. Nguyễn Chí Bền (2001), Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Chính Trị Quốc gia