Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một số yếu tố cơ bản của nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn trong dạy học môn Giáo dục công dân ở Trường trung học phổ thông

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Đăng ngày: .

 

Môn GDCD ở trường THPT là một bộ môn khoa học xét về cả nội dung lẫn hình thức, cả về đối tượng và chức năng môn học. Các tri thức trong môn GDCD liên quan đến nhiều lĩnh vực như Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Đạo đức, Pháp luật, đường lối, quan điểm của Đảng, một số chính sách quan trọng của Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, khi truyền thụ tri thức môn học GV phải đồng thời thực hiện nguyên lí giáo dục là học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, nhằm rèn luyện năng lực sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn của người học.


  1. Phải làm rõ cơ sở thực tiễn của tri thức trong bài giảng

Môn GDCD ở trường Trung học phổ thông là hệ thống tri thức bao gồm nhiều môn khoa học như: Hệ thống tri thức khoa học của học thuyết Mác –Lênin, Đạo đức, Pháp luật, Đường lối cách mạng của Đảng vv. Hệ thống tri thức khoa học của học thuyết Mác –Lênin là sự kế thừa có phê phán, có phát triển sáng tạo những tư tưởng tốt đẹp nhất mà loài người đã đạt được trong lịch sử, là sự khái quát lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân, kể cả đấu tranh với tự nhiên, là những thành tựu khoa học mà loài người đã đạt được. Vì thế trong bài giảng cần gắn lí luận với thực tiễn, đặc biệt là khi giảng các nội dung của khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật cần có tri thức từ thực tiễn, qua đó giúp người học lĩnh hội tri thức có hiệu quả nhất.

Tri thức của môn GDCD vừa mang tính khái quát vừa mang tính trừu tượng, với nhiều khái niệm, nguyên lí, quy luật, nhưng các tri thức đó đều là kết quả được rút ra thông qua nhận thức của nhiều thế hệ từ chính hoạt động thực tiễn. Vì vậy, nếu biết khai thác tối đa ý nghĩa thực tiễn của tri thức sẽ làm cho học sinh thấy rõ giá trị của môn học đối với cuộc sống, sẽ nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của tri thức môn học và hiệu quả của bài giảng sẽ được nâng cao.

  1. Dùng các ví dụ, hình ảnh, thông tin, sự kiện trong thực tiễn để minh hoạ cho nội dung truyền thụ.

 Do tính trừu tượng của tri thức GDCD, việc sử dụng các ví dụ, hình ảnh, thông tin, sự kiện trong thực tiễn đưa vào bài dạy sẽ góp phần làm cho bài dạy đến gần với cuộc sống.

 Các ví dụ đưa ra phải chính xác phù hợp với nội dung tri thức cần truyền thụ. Ví dụ phải được phân tích tỉ mỉ để thông qua đó học sinh hiểu rõ hơn lí luận, nghĩa là ví dụ vừa được dùng để minh hoạ, vừa được dùng để giải thích tri thức. Tuy nhiên nếu trong giảng dạy giáo viên chỉ dừng lại ở việc đưa ra ví dụ  sẽ dẫn đến tầm thường hoá tri thức. Do đó cần có sự kết hợp linh hoạt giữa việc nắm tri thức với việc chỉ ra nguồn gốc của tri thức và đưa ví dụ minh hoạ, phải vạch ra phương hướng ứng dụng tri thức khoa học vào hoàn cảnh cụ thể phản ánh tình hình thực tiễn vào nội dung dạy học.

Những tư liệu thực tiễn góp làm cho tri thức môn GDCD trở nên gần gũi dễ nhớ, dễ hiểu đối với học sinh, đồng thời góp phần làm tăng tính khoa học, tính thuyết phục của bài GDCD.

  1. Liên hệ nội dung bài học với những tình huống, những vấn đề đã và đang nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống.

Trong quá trình dạy học môn GDCD ở trường Trung học phổ thông, việc đưa ra các tình huống điển hình các vấn đề nổi cộm trong thực tiễn cuộc sống vào bài dạy sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực. Một mặt nó đảm bảo tính thực tiễn của bài, mặt khác gây hứng thú cho HS trong việc lĩnh hội tri thức của môn học.

Các tình huống, vấn đề đưa vào bài dạy GDCD càng điển hình càng sát với thực tiễn cuộc sống, với địa phương, với tâm lí, lứa tuổi của HS càng có hiệu quả.

  1. Chỉ ra được vai trò, ý nghĩa của tri thức đối với học sinh trong thực tiễn cuộc sống.

Giáo viên bộ môn phải chỉ cho HS thấy được vai trò, ý nghĩa thực tiễn của những tri thức mà các em vừa lĩnh hội.

Giáo viên phải chỉ cho HS hướng để vận dụng cũng như cách thức để vận dụng những tri thức đó vào cuộc sống. Từ đó HS sẽ tiếp thu tri thức môn học một cách tự nguyện và chủ động.

Tóm lại: Việc sử dụng nguyên tắc tính thực tiễn trong dạy học môn GDCD ở trường THPT, giáo viên là người luôn phải định hướng cho học sinh, phải chọn lọc và vạch ra nội dung, kế hoạch chi tiết của bài giảng, đồng thời phải khai thác vốn sống, kinh nghiệm hiểu biết của học sinh, lấy ví dụ minh họa thực tiễn để giải quyết những vấn đề lí luận thì mới mang lại hiệu quả trong dạy học bộ môn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Vũ Đình Bảy, Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh, Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường trung học phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.

 [2]. Vương Tất Đạt, Phùng Văn Bộ, Nguyễn Thị Kim Thu..., Phương pháp giảng dạy GDCD, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 1994.

 [3]. Đinh Văn Đức, Dương Thúy Nga, Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường THPT, Nxb Đại học sư phạm, 2009.

[4]. Lê Đức Quảng, Phương pháp và tư liệu giảng dạy môn GDCD, Nxb giáo dục, 1998.