Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN QUÂN SỰ HỒ CHÍ MINH

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hà - Đăng ngày: .

Sự thống nhất giữa tính bao quát và tính cụ thể về quan niệm con người trong đấu tranh giải phóng dân tộc là điểm đặc trưng quan trọng trong tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh. Ngày nay, đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta đang đứng trước vận hội mới và những thách thức mới, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam rất nặng nề, tư tưởng nhân văn quân sự vẫn còn nguyên giá trị.

Cốt lõi tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh đọng lại ở mục tiêu, lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng “đồng bào” để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Người cho rằng con người không phải là khái niệm chung chung mà là những thân phận cụ thể: đó là đồng chí, đồng bào; là mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ, dân quân và du kích. Vấn đề con người được đặt trong mối quan hệ mật thiết với xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị: uy tín và vị thế của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy bộ đội và sức mạnh đoàn kết quân-dân. Người đặt việc chăm lo con người, chăm lo cho đời sống bộ đội và nhân dân ở vị trí “đầu tiên” đối với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo. Chăm lo là làm sao cho từng hạt gạo, viên thuốc, tấm áo sớm đến tay bộ đội và người dân vùng địch tạm chiếm; qua đó, vun đắp cho tình quân - dân ngày càng bền chặt. Nhiều lần, Người căn dặn cán bộ các cấp phải có biện pháp cụ thể để chăm lo đời sống bộ đội và nhân dân mà trước hết là sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng.

Bao dung con người cũng là nét đặc sắc của tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh. Đối với những tù binh chiến tranh và nạn nhân của chế độ xã hội cũ Người coi họ là “nạn nhân” chiến tranh phải “giúp họ trở nên những người lao động lương thiện"[4]. Người phân biệt rõ nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình với những kẻ hiếu chiến trong chính quyền Mỹ, không “đánh đồng” bọn xâm lược Mỹ với nhân dân Mỹ. Với kẻ thù của dân tộc Người thương yêu họ trên khía cạnh một con người, họ cũng có gia đình, biết đau thương. Vì vậy, Người yêu cầu “Chính sách tù binh phải nhân đạo"[3] không được tận diệt.

Nhân văn quân sự Hồ Chí Minh còn thể hiện ở niềm tin: tin tưởng vào sức mạnh nhân dân, tin vào khả năng, năng lực và tính hướng thiện của con người.  Niềm tin còn thể hiện sự quan tâm  của Người tới mọi đối tượng: thương binh, chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân, dân quân, du kích, thanh niên xung phong

Trọn vẹn cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành toàn bộ tâm huyết, trí tuệ, tình cảm của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mà ở đó những giá trị làm người được trân trọng, được bảo vệ và  phát triển toàn diện. Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh, hàm chứa nhiều nội dung mới, độc đáo: vấn đề con người vừa là điểm khởi phát, vừa là nội dung cốt lõi trong tư tưởng nhân văn quân sự của Người. Với hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước chính quy, tinh nhuệ và ngày càng hiện đại. Kế thừa và phát huy giá trị nhân văn quân sự, Quân đội Nhân dân Việt nam cũng được thế giới công nhận là đội quân nhân văn, nhân đạo, là đội quân chính nghĩa, luôn hướng đến giá trị hòa bình, chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự tiến bộ của nhân loại.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Đình Châu, Tư tưởng nhân văn trong di sản quân sự Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, 1999
  2. Theo sách Trung tướng Đoàn Chương, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2011, tr. 472.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 616.
  4. 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 617.
  5. Trần Dân Tiên,“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”