Tăng trưởng xanh trong mục tiêu phát triển con người
Tăng trưởng xanh không còn là vấn đề mới mẻ đối với các nước trên thế giới, nhất là các nước có nền kinh tế còn nhiều khó khăn với mục tiêu phát triển bền vững. Mối quan hệ giữa môi trường và kinh tế, kèm theo đó là các mục tiêu hướng tới phát triển con người trở thành bài toán được nhắc tới thường xuyên trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế trong chiến lược phát triển; đồng thời được hiện thực hóa bằng chính nhận thức và hành động của con người là vấn đề cốt lõi của việc hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là một chiến lược phát triển bảo đảm kinh tế tăng trưởng cao, cùng với việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, những nguồn lực sẵn có làm cho cuộc sống con người ngày một tốt đẹp. Tăng trưởng xanh vì thế là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các mục tiêu của phát triển con người và phát triển bền vững.
Năm 1982, thuật ngữ phát triển bền vững - Sustainable Development, lần đầu tiên xuất hiện trong tuyến bố “Chiến lược bảo tồn thế giới” của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế - IUCN. Khái niệm phát triển bền vững được hiểu theo nghĩa hẹp, đó là sự phát triển đạt được sự bền vững về sinh thái. Năm 1987, trong báo cáo “Tương lai của chúng ta”, Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED (nay là Brudtland) đã mở rộng nội hàm và định nghĩa: Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Hội nghị Thượng đỉnh trái đát tổ chức năm 1992 tại Rio De Janeiro tái khẳng định nội hàm phát triển bền vững của WCED và phát đi thông điệp tới tất cả các chính phủ về sự cấp bách phải đẩy mạnh phát triển kinh tế hoà hợp giữa kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường.Năm 2003, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững (Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg) tổ chức tại Công hoà Nam Phi đã thống nhất: Phát triển bền vững là quá tình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển. Đó là, phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Và hiện nay có thể hiểu: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”[6]
Để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, các nước trên thế giới đã đề ra các chiến lược về tăng trưởng xanh nhằm hướng tới nền kinh tế xanh. Liên quan đến nội hàm khái niệm tăng trưởng xanh, kinh tế xanh còn có những khái niệm như kinh tế nâu, kinh tế tuần hoàn mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau. Cho đến nay, nội hàm về tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh đã được nhiều tổ chức quốc tế,như: Uỷ ban Liên Hợp quốc về kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UN-ESCAP),Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP),Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD),Cộng đồng châu Âu (EU) và các quốc gia trên thế giới đề cập đến ở những khía cạnh khác nhau. Trên thực tế, UNEP, UNDESA và ICC thường dùng thuật ngữ Kinh tế xanh, còn Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (World Bank) và các doanh nghiệp thường đề cập tới Tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, có sự khác nhau về nội hàm của hai khái niệm tăng trưởng xanh và kinh tế xanh cũng như vai trò và mối quan hệ của nó. Xét về mặt lịch sử, khái niệm kinh tế xanh ra đời trước khái niệm tăng trưởng xanh. Nhưng sự giao thoa về các hàm nghĩa cũng như cách sử dụng khiến cho các thuật ngữ này dễ nhầm lẫn.
Khái niệm Kinh tế xanh được chính thức đề cập lần đầu tiên vào năm 1989 bởi một nhóm các nhà kinh tế môi trường gồm David Pearce, Anil Markandya và Edward Barbier trong báo cáo “Blueprint for a green economy” gửi Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh (Pearce, Markandya, & Barbier, 1989). Tuy nhiên, phải đến năm 2008 khi thế giới đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu thì khái niệm này mới được chú trọng giải thích. Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đã nhắc lại khái niệm này và coi việc hướng tới xây dựng nền Kinh tế xanh, mà bắt đầu là các các “gói kích thích kinh tế xanh” (Green New Deals) trong một số lĩnh vực cụ thể, và sau đó là “Tăng trưởng xanh” (Green Growth) để hướng tới Kinh tế xanh là lối thoát quan trọng để đưa các quốc gia ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, hướng tới phát triển bền vững. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về PTBV họp tháng 6 năm 2012 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil (gọi tắt là Rio+20), kinh tế xanh đã là một trong nội dung chính được bàn thảo. Năm 2015, Ủy ban kinh tế và xã hội châu Á –Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP) đã xuất bản một loạt ấn phẩm có tiêu đề “Xanh hóa tăng trưởng kinh tế”(“Greening of economic growth” series) giới thiệu cách thức xanh hóa tăng trưởngkinh tế qua đó cũng chính thức xác định định hướng tăng trưởng kinh tế mới và kêu gọi các quốc gia châu Á –Thái Bình Dương từ bỏ tiếp cận “Tăng trưởng trước, làm sạch sau” (“grow first, clean up later”) [1]. Cho đến nay, định nghĩa của UNEP được coi là chính xác và đầy đủ nhất về Kinh tế xanh: “là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải các-bon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội” (UNEP, 2011b, p. 16)
Đối với khái niệm tăng trưởng xanh, về mặt học thuật, người đưa ra thuật ngữ này là Paul Ekins. Theo Paul Ekins, tăng trưởng xanh là tăng trưởng kinh tế bền vững về mặt môi trường, và đặc biệt hơn là sự tăng trưởng GDP trong khi bảo tồn hoặc tăng cường các hệ sinh thái hoặc đóng góp của chúng cho sức khỏe, phúc lợi và chất lượng cuộc sống (Ekins, 2005). Tại cuộc họp các bộ trưởng Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 5, Ủy ban kinh tế xã hội Châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP) đã đề xuất tăng trưởng xanh như là một chiến lược tăng trưởng mới đối với các quốc gia đang phát triển ở Châu Á. Chiến lược này được định nghĩa là việc làm giảm đói nghèo thông qua tăng trưởng và bảo vệ môi trường bằng cách tăng cường hiệu quả sinh thái (UNESCAP, 2005). Sau đó nhiều tổ chức khác cũng đưa ra các cách hiểu về tăng trưởng xanh. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: “Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sạch trong việc giảm thiểu ô nhiễm và các tác động môi trường, linh hoạt trong khả năng thích ứng với các hiểm họa thiên nhiên, quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong phòng chống thiên tai.” (World Bank, 2012) Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế OECD, tăng trưởng xanh bao gồm “thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp 6 tài nguyên và dịch vụ môi trường cho sự thịnh vượng của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.” (OECD, 2014).
Tựu chung lại tăng trưởng xanh là một chiến lược tăng trưởng mới nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh tế và kết cấu hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư song song với nó là giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít nhất có thể nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo ra ít chất thải hơn và từng bước giảm sự mất công bằng trong xã hội.Tăng trưởng xanh nhấn mạnh tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ cân bằng hài hòa (balance) với môi trường sinh thái – mà cụ thể là tránh gây các áp lực làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường (EEA, 2016, p. 93), với mục tiêu cao nhất là sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Đối với đặc biệt là các nước đang phát triển, tỷ lệ nghèo đói và các vấn đề xã hội kéo theo hậu quả của những cuộc khủng hoảng kinh tế thì tăng trưởng xanh là điều kiện cần thiết để phục hồi nền kinh tế tiến tới các mục tiêu của kinh tế xanh. Trong khi đó, Kinh tế xanh nhấn mạnh nhiều hơn tới các giới hạn của môi trường chứ không chỉ là sự cân bằng sinh thái, đặc biệt, kinh tế xanh còn chú trọng tới hạnh phúc của con người và công bằng xã hội (UNITAR, 2012). Nói cách khác, Kinh tế xanh hướng gần tới các phát triển bền vững với cả ba trụ cột là kinh tế, môi trường và xã hội. Nhưng để thực hiện được nền kinh tế xanh, cần có các bước thay đổi trong nền kinh tế trong đó tăng trưởng xanh được xem là khâu chuyển tiếp từ tăng trưởng không bền vững để nền kinh tế có động lực thực hiện bước chuyển từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh. Đặc biệt đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển, hay các nước còn tồn tại vấn đề về chất lượng sống của con người như nhận định của UNESCAP (2013), đó là trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới vẫn còn nghèo đói thì tăng trưởng xanh là điều kiện cần để tiến tới Kinh tế xanh. Đây có lẽ là lý do chính khiến tăng trưởng xanh trở thành một chiến lược phổ biến của hầu hết các nước hiện nay khi những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây vẫn chưa được phục hồi thì những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế do dịch covid 19 đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế và làm trầm trọng các vấn đề phát triển con người.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[2]. World Bank, 2006.“World Development Report 2006 – Equity and Development”
[3].World Bank, 2012. Inclusive green growth: the pathway to sustainable development. Washington, D.C. Retrieved from
[4]. EEA. (2016). Europe's environment — An Assessment of Assessments. Retrieved from https://www.eea.europa.eu/publications/europes-environment-aoa
[5].Paul Ekins (2000), Economic growth and environmental sustainability: the prospects for green growth, Routledge, London
Tin mới
- KHUNG NĂNG LỰC SỐ THEO QUAN ĐIỂM CỦA UNESCO - 17/12/2023 08:18
- Nhận diện hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân trong bối cảnh hội nhập - 24/10/2023 08:29
- Giữ gìn và phát huy giá trị nhân văn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 11/08/2023 08:28
- Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu kinh tế Vũng Áng - 11/08/2023 08:27
- Nâng cao vai trò của Giáo viên cố vấn học tập nhằm tăng cường chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hà Tĩnh - 27/06/2023 16:37
Các tin khác
- Libido, vô thức động lực chính của sự sinh tồn và văn minh - 14/02/2023 03:21
- Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo ngành giáo dục chính trị theo định hướng phát triển năng lực tại Trường Đại học Hà Tĩnh - 18/01/2023 03:11
- QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN QUÂN SỰ HỒ CHÍ MINH - 15/12/2022 02:29
- NGHĨ VỀ SỨ MỆNH CON NGƯỜI - 09/10/2022 14:19
- Vang vọng mãi hào khí về chủ nghĩa anh hùng cách mạng - 02/10/2022 14:15