Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Libido, vô thức động lực chính của sự sinh tồn và văn minh

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hằng - Đăng ngày: .

Nếu như C.Mác đã nói rằng, động lực phát triển con người và xã hội loài người là do chính con người thông qua hoạt động thực tiễn tạo nên, thì Sigmund Freud lại khẳng định động lực này chính là libido, vô thức.

Libido, vô thức là hai khái niệm cơ bản trong Phân tâm học được Freud phát hiện ra trong quá trình chữa bệnh nhiễu tâm đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người, nó đã tạo ra tiếng vang vô cùng mạnh mẽ khiến cả nhân loại phải bừng tỉnh, có người lên tiếng ủng hộ, có người phê phán, thậm chí có người lại chửi rủa. Nó đã làm cho chúng ta không dám tin vào bản thân mình, vì đâu con người lại phải sợ hãi chính bản thân con người? Con người với cái bản ngã hào hùng, oai phong, lẫm liệt thì đằng sau nó chứa đầy một kho các bản năng, trong đó bản năng dục vọng là cốt lõi. Theo Freud, những bản năng này là nguồn gốc của mọi sự tiến bộ của con người, là động lực thúc đẩy văn minh  toàn nhân loại.

Thực ra nó là cái gì? Vì sao nó lại làm được vai trò động lực của thế giới tinh thần? Theo trình tự thời gian, ta hãy lần lượt vén từng “bức màn bí mật”  này của Freud. Chúng ta phải hiểu libido, vô thức một cách đầy đủ, phải xem xét nhìn nhận nó từ mọi phía, mọi khía cạnh, tuỳ theo từng hệ qui chiếu khác nhau để rồi đánh giá một cách khách quan trên tinh thần khoa học.

Theo Freud, tận thẳm sâu nơi tâm hồn  mỗi con người là cả đại dương mênh mông, bao la, tận hang cùng ngõ hẻm là của vô thức, ở đó vô thức là chúa tể thống ngự.  Ý thức vốn có từ lâu chẳng là gì so với vô thức. Ý thức được ví như một người chèo thuyền trên dòng sông, công việc của họ là làm sao điều khiển được con thuyền theo đúng ý định của mình. Người chèo thuyền không thể biết tất cả những gì còn nằm phía dưới mặt nước, cũng giống như chúng ta không thể biết hết những gì về vô thức. Với ngày ấy, người ta cũng chẳng thừa nhận cái tiềm thức mà Freud đưa ra, bởi một lẽ rất đơn giản là: Chẳng mấy ai biết về cái vô thức, tiềm thức đó đâu.

Vô thức xâm nhập vào hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội loài người. Đứng về góc độ của Phân tâm học mà phán xét thì vô thức có một sức mạnh cực kỳ to lớn. Nó gắn kết tất cả những gì thuộc về sự tồn tại và phát triển xã hội trong một chừng mực nào đó xích lại gần nhau hơn, tạo ra cho con người một hơi thở, một nhịp đập con tim mạnh mẽ, nó tạo ra một xã hội với sự tiến bộ trông chừng thấy được. Freud viết: “Lịch sử của nhân loại là lịch sử của bản năng của nó bị áp chế, xã hội văn minh bắt nguồn từ sự áp chế bản năng, dục vọng và luận điểm của sự thăng hoa vô thức” [1].

Libido, vô thức có mặt trong lĩnh vực văn hoá, khoa học, nghệ thuật và  đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với những lĩnh vực này trong sự sáng tạo. Hơn thế, nó còn làm thay đổi phong cách, quan điểm, quan niệm sáng tác của các nhà nghệ thuật. Freud quan niệm rằng sáng tạo nghệ thuật đã thay thế cho thoả mãn bản năng. Những sáng tạo của con người, những tác phẩm nghệ thuật ra đời là sự thoả mãn trong tưởng tượng các ham muốn vô thức. Sáng tạo nghệ thuật là phần thưởng quyến rũ của ham muốn gắn vào tri thức cái đẹp của hình thức. Đó là sự vượt thoát từ nguyên lý khoái lạc sang nguyên lý thực tế nhằm cho phép thay thế  khoái cảm bản năng phải từ bỏ trong đời sống hàng ngày, ham muốn được thoả mãn của con người là muôn thuở. Freud viết nhiều về lĩnh vực này, những công trình của ông nếu tập hợp đầy đủ thì là những tài sản quí giá. Nó là sợi dây liên kết văn học, nghệ thuật... với các hiện tượng văn hoá khác. Libido, mỗi khi năng lượng này trong con người có sự thay đổi, điều này cũng đồng nghĩa rằng, nó có thể đã thăng hoa vào những lĩnh vực hoạt động xã hội khác.

Nhìn chung, con người nhầm tưởng rằng đã làm chủ, điều khiển được chính mình, tự hướng dẫn được mình, nhưng rồi vẫn bị bàn tay vô hình nào đó điều khiển trở lại. Bàn tay vô hình đó là vô thức, chính vô thức điều khiển toàn bộ hoạt động  có ý thức của con người mà con người có thể không hay biết.

Cho đến ngày nay, xã hội phát triển về mọi mặt, con người đã hoà nhập vào guồng máy chung của sự phát triển đó, thuật ngữ libido vẫn có một ý nghĩa hết sức to lớn, mang nặng tầm vóc của thời đại. Nó được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong y học với một độ sáng rõ và súc tích. Libido không còn phụ thuộc vào những phương thức hoạt động cụ thể của con người, nó có nhu cầu mang tính bẩm sinh, di truyền và tự nhiên, mục đích chính của nó là đạt được khoái cảm trong ý thức, phải chăng đây là một mắt xích quan trọng của đời sống con người trong một xã hội văn minh.

Học thuyết của Freud còn đưa ra khái niệm thịnh hành về con người, nó dựa trên cơ cấu xã hội thời bấy giờ. Để chứng minh cho xã hội tư bản phù hợp với nhu cầu tự nhiên của con người, ta phải chứng tỏ rằng bản chất con người  mang tính cạnh tranh và cả tính đối nghịch nhau. Những nhà kinh tế chứng minh điều này mong có lợi ích về kinh tế; những nhà chủ Darwin căn cứ vào qui luật sinh tồn thích ứng nhất mà phát triển. Freud tiến tới kết quả y như vậy bằng cách thừa nhận con người bởi một ham muốn không cùng đối với việc chinh phục tính dục phụ nữ, chỉ có xã hội mới ngăn cản con người không cho những ham muốn bản năng được thực hiện. Theo Freud,  nếu mỗi khi con người được thoả mãn trọn vẹn và không còn bị ức chế bởi ham muốn bản năng thì con người không còn tìm thấy hạnh phúc. Chính vì thế, vấn đề xã hội có một vai trò quyết định trong sự phát triển con người cùng với sự văn minh xã hội mang đầy đủ ý nghĩa. Thực tế cho thấy rằng, những con người, nam và nữ khi đã thoả mãn libido không giới hạn thì không bao giờ có được hạnh phúc và trong những trường hợp cụ thể họ thường bị những triệu chứng bệnh thần kinh. Con người khi đã thoả mãn trọn vẹn tất cả những nhu cầu bản năng, không những ảnh hưởng đến nền tảng  hạnh phúc mà còn làm cho họ cảm thấy sự lo âu và bất an.

Tóm lại, libido, vô thức là những vấn đề trung tâm của chủ nghĩa Freud, các khái niệm này như một nền tảng cơ sở, một căn nguyên để giải thích đời sống con người. Đây là một đóng góp hết sức to lớn của Freud và nó đặt nền móng cho sự phát triển xã hội. Nhưng, chỉ tiếc rằng, do giới hạn đặc biệt về mặt khoa học cho nên Freud chỉ thấy nguồn gốc về mặt sinh học là chủ yếu, mà không thấy vai trò của đời sống xã hội lại vô cùng quan trọng đối với đời sống của con người. Vì vậy, khi nghiên cứu Chủ nghĩa Freud, phải biết sàng lọc, biết “gạn đục, khơi trong”. Libido và vô thức quả thực có vai trò hết sức to lớn đối với đời sống con người và xã hội. Nhưng không thể nào, không bao giờ có thể thay thế được ý thức con người. Đó chính là sự phân biệt giữa triết học Freud và triết học Mác trong việc nghiên cứu con người và xã hội loài người.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].David Stafford- Clark (2000), Freud đã thực sự nói gì, Nxb Thế giới.

[2].Bùi Đăng Duy- Nguyễn Tiến Dũng (2003), Lược khảo triết học phương Tây hiện đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[3]. Lưu Phóng Đồng (1994), Triết học phương Tây hiện đại (tập 4), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[4].E.A.Bennet (2002), Jung đã thực sự nói gì? Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội.

[5].Erich Fromm (2002), Ngôn ngữ bị lãng quên, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội.