Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo ngành giáo dục chính trị theo định hướng phát triển năng lực tại Trường Đại học Hà Tĩnh

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hồng Ninh - Đăng ngày: .

Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng mục đích của nhận thức là để cải tạo thế giới. Thực tiễn chính là cơ sở, là động lực và mục tiêu của nhận thức. Xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực chính là sự vận dụng nguyên lý đó trong quá trình đào tạo.

1. Quá trình xây dựng và cải tiến chương trình Giáo dục chính trị ở Trường Đại học Hà Tĩnh

Chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị ở Trường Đại học Hà Tĩnh được xây dựng vào năm 2008 theo học chế niên chế. Sau đó chương trình được chỉnh sửa và cải tiến theo học chế tín chỉ. Năm 2018, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức rà soát, cải tiến chương trình đào tạo khối các ngành sư phạm, với các nội dung: Rà soát, cải tiến đối với tất cả các chương trình đào tạo khối ngành sư phạm đang thực hiện (bao gồm cả chương trình đào tạo đại học và cao đẳng; đáp ứng các quy định hiện hành; đáp ứng nhu cầu xã hội; Khảo sát ý kiến của các nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, các tổ chức xã hội, giáo dục, giảng viên … về dự thảo chuẩn đầu ra của ngành đào tạo; Rà soát, cải tiến, biên soạn lại chương trình đào tạo: rà soát lại toàn bộ môn học trong chương trình, bỏ bớt những học phần hoặc nội dung trùng lặp của các học phần, tăng thời lượng thực hành thực tập sư phạm; tạo điều kiện cho sinh viên xuống trường phổ thông thâm nhập thực tế môi trường giáo dục; tăng số tín chỉ tự chọn; các môn học nên được thiết kế theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành; biên soạn lại chương trình chi tiết khoa học, phù hợp thực tiễn.

Quán triệt quan điểm đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, thực hiện chủ trương của nhà trường, Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Hà Tĩnh đã thực hiện đầy đủ nội dung nhiệm vụ theo kế hoach đề ra và cải tiến chương trình Giáo dục chính trị theo hướng chuẩn đầu ra với số lượng 130 tín chỉ (kể cả các môn Giáo dục thể chất và Quốc phòng – An ninh).

Mục tiêu chương trình hướng đến là: đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ và trách nhiệm với 23 tiêu chí cụ thể.

Thực hiên nội dung cải tiến, nhiều học phần của chương trình được tinh giản rút gọn, từ 5 tín chỉ xuống còn 3 tín chỉ theo tinh thần lược bỏ những nội dung có thể trùng lặp, giảm lý thuyết tăng thảo luận thực hành. Để đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại, một số môn học mới phản ánh xu thế của thời đại như Hội nhập kinh tế quốc tế, Kinh tế tri thức được tăng thời lượng và kiến thức từ 2 tín chỉ lên 3 tín chỉ. Một số môn học mới như Phát triển kỹ năng được xây dựng và bổ sung vào chương trình. Và để hình thành và rèn luyện năng lực nghề nghiệp. các môn về nghiệp vụ sư phạm đã được điều chỉnh về nội dung của 5 học phần với thời lượng 17 tín chỉ.

Ưu điểm :

Chương trình đào tạo đại học ngành Giáo dục chính trị của Trường Đại học Hà Tĩnh được xây dựng và cải tiến trên cơ sở những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được thiết kế phù hợp với điều kiện của trường và với đối tượng người học. Chương trình được thiết kế, xây dựng đảm bảo những kiến thức cơ bản của các môn khoa học Mác - Lênin, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh trên tinh thần đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị của Trường Đại học Hà Tĩnh có khối kiến thức giáo dục đại cương chiếm 34,3% khối lượng chương trình, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp chiếm 65,7% khối lượng chương trình; Con số này cho thấy, chương trình dành khá nhiều thời gian cho giáo dục đại cương.

Nếu như trước đây, mục tiêu của chương trình hướng tới là trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và xác định thái độ cho sinh viên thì hiện nay mục tiêu mà chương trình đào tạo hướng tới là trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Và nếu như trước đây, mục tiêu đó chỉ được xác định chung cho cả chương trình thì hiện nay, mục tiêu đó được xác định cụ thể rõ ràng hơn trong chuyên đề của chương trình và từng tuần của kỳ học. Điều đó chứng tỏ chương trình mới nhấn mạnh hướng tới phát triển năng lực cá thể của người học; xác định mục tiêu học để tự khẳng định mình trong từng bài giảng và từng tiết giảng cụ thể. Như vậy, chương trình Giáo dục chính trị hiện tại đã có bước tiến mới trong xác định mục tiêu và xác định vai trò trung tâm của người học, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục.

- Chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị Trường Đại học Hà Tĩnh còn có ưu điểm chuyên sâu các môn khoa học Mác – Lênin.

Hạn chế :

Các năng lực người học mà mục tiêu chương trình hướng tới còn chung chung chưa cụ thể. Xét về khả năng thực hiện mục tiêu đào tạo thì chương trình đào tạo hiện tại chưa thể hiện rõ khả năng tiếp cận mục tiêu đào tạo cao phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại. Bên cạnh đó chương trình đào tạo chưa có sự linh hoạt mềm dẻo đối với đối tượng người học, trong việc học văn bằng 2 hoặc chuyển chuyên ngành học.

2. Hoàn thiện chương trình ngành Giáo dục chính trị ở Trường Đại học Hà Tĩnh theo định hướng phát triển năng lực

2.1. Xác định nội dung năng lực mà chương trình hướng tới để phát triển năng lực người học trong mục tiêu của chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị

Thực chất của đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay là thực hiện bước chuyển từ dạy học theo định hướng phát triển nội dung sang định hướng phát triển năng lực.người học. Chính vì vậy nội dung hệ thống năng lực xác định phải được thể hiện rõ ràng trong mục tiêu của chương trình đào tạo. Chương trình cần bổ sung một số năng lực:

- Năng lực hiểu người học: Vận dụng đa dạng, hiệu quả các cách tiếp cận người học; cách thu thập, xử lí thông tin về người học; Hiểu được bản chất của hoạt động học, các yêu cầu của dạy học phân hóa và biết vận dụng phù hợp với từng đối tượng người học.

- Năng lực phát triển chương trình; nghiên cứu, thiết kế và thực hành hoạt động dạy học; Vận dụng được các lí thuyết phát triển chương trình để thiết kế kế hoạch tổ chức hoạt động dạy học; Vận dụng được các lí thuyết về phương pháp dạy học để triển khai tổ chức hoạt động dạy học hiệu quả; Vận dụng được các phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục để thực hiện những nghiên cứu đơn giản nhằm nâng cao chất lượng dạy học; Có khả năng sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy học một cách hiệu quả, sáng tạo.

- Năng lực hiểu môi trường giáo dục và xây dựng môi trường giáo dục: Vận dụng hiệu quả các phương pháp thu thập, xử lí thông tin về môi trường giáo dục; Hiểu được tầm quan trọng của môi trường đối với người học và có khả năng xây dựng môi trường giáo dục nhằm tạo động lực học tập, rèn luyện cho người học.

- Năng lực đánh giá: Vận dụng hiệu quả cách đánh giá năng lực và phẩm chất của người học; Có khả năng phân tích kết quả đánh giá, cung cấp thông tin phản hồi cho người học và những thành phần có liên quan khác; vận dụng hiệu quả kết quả đánh giá để cải tiến hoạt động dạy học và hỗ trợ, tư vấn cho người học.

2.2. Bổ sung thay thế một số môn học mới vào chương trình

Chương trình Giáo dục chính trị Trường Đai học Hà Tĩnh cần phải được chỉnh sửa, bổ sung thay thế một số học phần mới để đáp ứng yêu cầu đào tạo của bậc học đại học nói chung, cũng như của chuyên ngành đào tạo Giáo dục chính trị nói riêng trong giáo dục hiện đại.

Trên cơ sở thưc hiện nguyên tắc đáp ứng các yêu cầu về chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với bậc học, ngành học của giáo dục đại học, theo thông tư số 17/2021/TTBGDĐT, ngày 22/06/2021, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị cần được bố trí một thời lượng tương ứng giờ thực hành phương pháp nhằm rèn luyện kỹ năng giảng dạy cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục bậc học phổ thông. Giờ  lý thuyết và thảo luận đã được bố trí hợp lý trên tinh thần tăng dần các tiết thảo luận, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Trên tinh thần đó và tiếp cận mục tiêu đào tạo cao phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại, chương trình hoàn thiện có thể thay thế một số học phần như: Lịch sử kinh tế; Lý luận và lịch sử tôn giáo; Quản lý kinh tế; Lịch sử các học thuyết chính trị, Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế …bằng những học phần khác. Vì đây là những học phần có tính lý luận cao mà người học có thể tiếp cận sau khi ra trường ở bậc học cao hơn. Bên cạnh đó chương trình hoàn thiện cần được bổ sung những học phần như: Phương pháp tổ chức, thực hành giáo dục kỹ năng sống; Giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản vị thành niên; Phương pháp tổ chức, thực hành giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, lối sống; Phương pháp tổ chức, thực hành giáo dục môi trường; Phương pháp tổ chức, thực hành giáo dục pháp luật…vv. Đây là những học phần đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng và phát triển năng lực con người phù hợp với xã hội hiện đại.

2.3. Đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực

Việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo phải được tiến hành đồng bộ các nhân tố mục tiêu, nội dung, phương pháp, quy trình và cách thức đánh giá kết quả đào tạo. Xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực gắn liền với đổi mói phương pháp kiểm tra đánh giá theo đinh hướng phát triển năng lực. “Đánh giá theo năng lực là đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ trong bối cảnh có ý nghĩa”. Kiểm tra, đánh giá theo năng lực phản ánh phương pháp và cách thức kiểm tra, đánh giá. Sự phát triển năng lực của người học là một quá trình. Kiểm tra, đánh giá người học cũng phải là một quá trình. Năng lực của mỗi người là không giống nhau nên kiểm tra, đánh giá theo sự phát triển mọi mặt của năng lực và sát với đối tượng. Đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực là đa dạng hóa phương pháp kiểm tra, đánh giá và đa dạng hóa đối tương tham gia kiểm tra đánh giá và đánh giá suốt quá trình theo những nấc thang phát triển của năng lực người học.

2.4. Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu xây dựng chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo là một bản thiết kế tổng thể cho mọi hoạt động đào tạo, là bản kế hoạch được trình bày một cách có hệ thống toàn bộ hoạt động đào tạo với thời gian xác định, trong đó có sự mô tả mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học, cách thức đánh giá kết quả đào tạo. Việc xây dựng chương trình đào tạo phụ thuộc vào tầm nhìn và sứ mệnh của cơ sở giáo dục trong một giai đoạn lịch sử nhất định và đòi hỏi phải có đội ngũ xây dựng chương trình đào tạo có kinh nghiệm, có khả năng dự báo, tầm nhìn chiến lược. Để đáp ứng yêu cầu trên, những người xây dựng chương trình đào tạo cần:

- Nghiên cứu và nắm bắt xu hướng phát triển của giáo dục hiện đại.

- Thường xuyên trao đổi học tập kinh nghiệm xây dựng chương trình giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước và quôc tế.

- Có kiến thức và theo sát thực tiễn phát triển về kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.

- Đối với giảng viên khoa Chính trị Luật: đội ngũ giảng viên cần không ngừng nâng cao trình độ, có khả năng nghiên cứu và giảng dạy những môn học mới đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại  hiện đại.    

Tóm lại, xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực đối với ngành Giáo dục chính trị là tất yếu khách quan. Trong thời gian qua, chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị của Trường Đại học Hà Tĩnh đã luôn được rà soát theo kế hoạch. Tuy nhiên chương trình đào tạo Giáo dục chính trị hiện tại còn một số hạn chế. Chính vì vậy, cần thực hiện những giải pháp hữu hiệu trên để tiếp tục hoàn thiện chương trình Giáo dục chính trị theo định hướng phát triển năng lực người học

Hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghi quyết Đai hội lần thứ XIII của Đảng, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, thực hiện yêu cầu về chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với các trình độ của giáo dục đại học, theo thông tư số 17/2021/TTBGDĐT và nâng cao chất lượng đào tào tạo của toàn trường, việc xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực người học là tất yếu khách quan không chỉ riêng đối với ngành Giáo dục chính trị, mà đó cũng là yêu cầu tất yếu với tất cả các ngành đào tạo trong nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2013. Văn kiện hội nghị BCH TW lần thứ 8 Khóa XI. VPTW Đảng. 136
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2016. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. NXB Chính trị quốc gia. HN. 79
  3. Nguyễn Thị Hồng Ninh (2016) “Sử dụng phương pháp kiểm tra đánh giá theo năng lực đối với các môn khoa học Mác Lênin  ở khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Hà Tĩnh”. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hà Tĩnh (Số 7). 109 – 116
  4. https://hnmu.edu.vn/tin-tuc/tap-huan-thiet-ke-va-phat-trien-chuong-trinh-dao-tap-tiep-can-nang-luc.htnm
  5. https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-17-2021-tt-bgddt-chuan-chuong-trinh-dao-tao-giao-duc-dai-hoc-204157-d1.html