Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Nâng cao vai trò của Giáo viên cố vấn học tập nhằm tăng cường chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hà Tĩnh

Tác giả: ThS. Trần Thị Mai Hương - Đăng ngày: .

Cố vấn học tập là một khái niệm mới xuất hiện trong đào tạo theo học chế tín chỉ, đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và quản lý sinh viên trong đào tạo tín chỉ. Có thể xem giảng viên cố vấn học tập (GVCVHT) như là cầu nối, là mắt xích quan trọng trong sợi dây kết nối giữa sinh viên, phụ huynh và nhà trường, giữa sinh viên với thị trường lao động; là một chuyên gia tư vấn, hỗ trợ về học tập, rèn luyện và việc làm cho sinh viên; là người đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình học tập và cũng là người có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên; là trợ thủ đắc lực giúp lãnh đạo các cấp trong nhà trường ra quyết định quản lý phù hợp.

Tại trường Đại học Hà Tĩnh, thực hiện chức năng quản lý sinh viên, người chuyên trách từng khoa được gọi là quản sinh và GVCVHT là giảng viên cơ hữu được các Khoa phân công quản lý lớp học, vừa giảng dạy vừa làm cố vấn về những vấn đề liên quan đến học tập và rèn luyện tu dưỡng của SV. Công tác GVCVHT là mảng công tác bổ trợ cần thiết cho việc quản lý và giáo dục học sinh - sinh viên trong quá trình đào tạo của Nhà trường. Giảng viên cố vấn học tập là cầu nối giữa lớp với Khoa, Trường; liên hệ với gia đình, nhà trường và địa phương để cùng giáo dục học sinh - sinh viên; là một trong những đội ngũ chủ chốt của truờng làm công tác giáo dục và là chuyên gia (tư vấn) trong việc tổ chức thực hiện các mặt hoạt động học tập của lớp.

Để có cách nhìn đúng đắn về vai trò của GVCVHT, từng bước nâng cao vai trò của GVCVHT trong quá trình đào tạo thì sau đây là một số đề xuất mang tính kiến nghị dành cho từ các cấp quản lý cho đến từng giảng viên, sinh viên:

Thứ nhất, Nhà trường cần tuyên truyền nâng cao ý thức, tư tưởng coi trọng vai trò của GVCVHT và công tác quản lý học sinh - sinh viên; nên chú trọng hơn khâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các GVCVHT và tư vấn hỗ trợ đời sống tinh thần sinh viên vì thoải mái tinh thần thì đảm bảo chất lượng dạy và học được tốt hơn.

Thứ hai, Nhà trường nên phối kết hợp với các bên liên quan như Phòng Đào tạo, Phòng quản lý sinh viên, Công đoàn… để tổ chức thêm các cuộc hội thảo bồi dưỡng kỹ năng cố vấn, giải quyết vấn đề liên quan công tác chủ nhiệm cho lực lượng giảng viên trẻ, nòng cốt. Đặc biệt, cần tổ chức các buổi thảo luận cấp khoa, hội thảo cấp trường về vai trò GVCVHT cho các giáo viên cùng tham gia trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Chẳng hạn: Nhà trường mà cụ thể là trách nhiệm của phòng Đào tạo nên tổ chức buổi cập nhật hoá các qui chế, qui định mới bên cạnh hình thức thông báo qua thư điện tử hoặc có sổ tay hướng dẫn công tác cố vấn để GVCVHT hiểu chính xác yêu cầu quản lý của nhà trường và có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ thông tin giữa các cố vấn; việc biên soạn cuốn “Cẩm nang dành cho cố vấn học tập” là cần thiết cho hoạt động cố vấn học tập. Phòng Khảo thí bên cạnh việc lấy ý kiến người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, nếu có thể xây dựng bộ câu hỏi khảo sát ý kiến sinh viên về công tác quản lý của GVCVHT…

Thứ ba, bên cạnh những danh hiệu và thành tích mà tập thể lớp, khoa đạt, còn có không ít những đóng góp thầm lặng của GVCVHT, vì vậy việc bình xét, khen thưởng GVCVHT sẽ tạo niềm tin là nhà trường đánh giá cao vai trò GVCVHT và khuyến khích họ phát huy khả năng quản lý học tập của sinh viên và hoàn thành nhiệm vụ. Nhà trường chú trọng hơn trong công tác sơ kết,tổng kết, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. Qua mỗi đợt thi đua đều có sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, chỉ ra những cá nhân thực hiện tốt, những cá nhân thực hiện chưa tốt, khen thưởng động viên những người làm tốt, phê bình những người làm chưa tốt, rút kinh nghiệm cho lần sau.

Thứ tư, Nhà trường, các khoa có thể phát động rộng rãi phong trào thi đua GVCVHT giỏi.

Thứ năm, sinh viên cần chủ động hơn trong học tập, trao đổi chia sẻ cởi mở hơn để GVCVHT có cơ hội thuận lợi trong tương tác với sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên Lào.

Thứ sáu, Nhà trường nói chung cũng như từng GVCVHT cần tích cực học hỏi các phương thức làm việc mới ở các trường đại học khác, các khoa khác hoặc có những sáng kiến để thể hiện và nâng cao hơn vai trò của GVCVHT, giúp cho kết quả về học tập chung của sinh viên ngày càng cao hơn nữa.

Thứ bảy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của GVCVHT để có những điều chỉnh kịp thời đạt được hiệu quả tốt hơn về công việc được giao.

Cuối cùng, bản thân GVCVHT là người đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học rất bận rộn lại kiêm thêm công việc không kém phần nặng nề của công tác GVCVHT nên thiết nghĩ cần phải có chế độ đãi ngộ hợp lý cho GVCVHT. Chảng hạn, Công đoàn Trường, khoa cần mạnh dạn đề xuất để hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần dành cho GVCVHT và công tác quản lý học sinh - sinh viên nhằm thực hiện được mục tiêu “lấy người học làm trung tâm” đạt hiệu quả tốt nhất.

 Để nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy ở Đại học Hà Tĩnh nói riêng, giáo dục đại học nói chung cần sự nỗ lực cố gắng từ nhiều phía, trong đó có thể nói GVCVHT luôn là một trong những “cánh tay phải” đắc lực hỗ trợ cho học chế tín chỉ đi đúng hướng và nâng tầm giáo dục đại học của Việt Nam. Vì vậy, để phát huy vai trò của GVCVHT trong quá trình đào tạo ở trường Đại học Hà Tĩnh đòi hỏi phải thực hiện những giải pháp đồng bộ từ phía nhà trường, các phòng ban, khoa, giảng viên và sinh viên.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục – Đào tạo (2007), Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, Ban hành kèm theo quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  2. Trần Thị Thu Thủy (2011), Tài liệu Hội nghị, Vai trò của cố vấn học tập đối với hoạt động học tập và rèn luyện của sinh viên.