Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn giáo dục kinh tế và pháp luật

Tác giả: ThS. Trần Thị Mai Hương - Đăng ngày: .

Đánh giá kết quả học tập là một nội dung quan trọng trong quá trình dạy học, là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu dạy học về kiến thức, kĩ năng, thái độ và năng lực, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập của học sinh. Hiện nay, trước xu thế đổi mới của nền giáo dục thì việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học đóng vai trò quan trọng tạo động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, khích lệ phát triển năng lực học tập của học sinh góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo của nước nhà theo tinh thần Nghị quyết số 29- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp, dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, giáo dục công dân, kinh tế, pháp luật… hoặc có sự quan tâm và hứng thú đối với môn học. Môn học giúp học sinh tiếp tục phát triển các phẩm chất và năng lực đặc thù được hình thành và phát triển ở cấp Trung học cơ sở, là môn học cốt lõi làm nhiệm vụ giáo dục công dân ở cấp trung học phổ thông. Nội dung chủ yếu của môn học là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Để thực hiện nhiệm vụ giáo dục quan trọng này, ngoài việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học thì người giáo viên cần thiết phải đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học theo định hướng phát triển năng lực: năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp và hợp tác…

Nội dung đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật theo hướng tiếp cận năng lựcchuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học; chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn; chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo, khuyến khích học sinh thể hiện cá tính và năng lực bản thân. Trong đánh giá thành tích học tập của học sinh sẽ thực hiện đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì sau từng chủ đề, từng chương tức là đánh giá cả quá trình thay vì chỉ đánh giá cuối kì, đánh giá tổng kết như trước đây nhằm mục đích phản hồi điều chỉnh quá trình dạy học bằng việc giáo viên sử dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau

a, Kiểm tra, đánh giá miệng

Phương pháp kiểm tra miệng được sử dụng trước khi học bài mới, trong quá trình học bài mới hoặc sau khi học xong bài mới… nhằm mục đích giúp cho giáo viên thu được tín hiệu ngược nhanh chóng từ những đối tượng học sinh khác nhau, giúp cho người học rèn luyện kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ nhanh, gọn, chính xác, rõ ràng. Đối với hình thức kiểm tra miệng, dung lượng kiến thức trong mỗi câu hỏi vừa phải, sát với trình độ học sinh và học sinh có thể trả lời ngắn trong ít phút để kiểm tra mức độ lĩnh hội kiến thức, hành vi, thái độ của học sinh. Về kiến thức, giáo viên có thể yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi vì sao?Như thế nào?Làm gì? Ví dụ: Vì sao chúng ta phải lập kế hoạch tài chính cá nhân? (bài  10- chủ đề 6 – sách Giáo dục kinh tế và pháp luật 10). Về hành vi, giáo viên có thể yêu cầu học sinh tự đánh giá hành vi của mình bằng các câu hỏi: em đã tham gia nền kinh tế với vai trò người tiêu dùng như thế nào? (Bài 2 – chủ đề 1 – sách Giáo dục kinh tế và pháp luật 10). Về thái độ, giáo viên có thể yêu cầu học sinh giải thích động cơ thực hiện hành vi pháp luật của mình hoặc bày tỏ thái độ đồng tình hoặc không đồng tình với các ý kiến, hành vi đạo đức, pháp luật có liên quan. Ở mức độ cao hơn, giáo viên có thể cho học sinh trình bày ý kiến xử lí tình huống cụ thể trên cơ sở gắn nội dung bài học với những tình huống thực tế gần gũi

b, Đánh giá qua bài kiểm tra viết của học sinh

Hình thức này được thực hiện sau khi học xong một phần, môt chủ đề, một chương hoặc kết thúc học kì, kết thúc chương trình nhằm kiểm tra mức độ lĩnh hội của học sinh cả một quá trình.Kiểm tra viết là một phương pháp đánh giá truyền thống song điểm mới là không chỉ kiểm tra học thuộc lòng kiến thức mà chủ yếu kiểm tra trình độ hiểu biết vấn đề, khả năng vận dụng thực tế, giải quyết vấn đề. Với phương pháp kiểm tra viết, giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập, tình huống được thiết kế theo các mức độ, yêu cầu cần đạt dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm, tự luận để đánh giá mức độ đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.

c, Đánh giá bằng phương pháp quan sát các hoạt động của học sinh

Giáo viêntheo dõi, lắng nghe học sinh quaquá trình dạy học trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật kí ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh: quan sát cách học sinh giao tiếp, ứng xử, giải quyết các tình huống, bài tập theo yêu cầu của giáo viên khi học sinh làm việc nhóm hoặc hoạt động cá nhân…

d, Đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh

Căn cứ vào nội dung của bài học, của từng chủ đề môn học, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh có thể  làm việc theo nhóm hoặc cá nhân phải hoàn thành sản phẩm và nộp cho giáo viên như việc tìm hiểu các mô hình sản xuất kinh doanh, tìm hiểu bộ máy, hoạt động của chính quyền địa phương, ý thức chấp hành hành pháp luật… thiết kế bằng slide, clip, tranh ảnh…Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó, đánh giá theo từng nội dung đánh giá có liên quan.

e, Kết hợp đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh, đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình.

Với đặc trưng của môn học chủ yếu là giáo dục ý thức đạo đức, giáo dục kỹ năng sống nên trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật việc kiểm tra, đánh giá học sinh có thể thực hiện đánh giá chéo của học sinh qua nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành bài tập và ý thức chấp hành của học sinh và tham khảo ý kiến của phụ huynhvề thái độ, biểu hiện hành vi ứng xử của học sinh trong quá trình tham gia vào các hoạt động ở nhà và cộng đồng.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  2. Tài liệu tập huấn đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh các môn học, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2014.