Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực sư phạm cho sinh viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hà - Đăng ngày: .

Năng lực sư phạm là một năng lực chuyên biệt đặc trưng của nghề dạy học, có mối quan hệ chặt chẽ giữa hệ thống các kĩ năng cơ bản và năng lực thực hiện của giáo viên. Nó bao gồm hệ thống các kĩ năng tương ứng với 2 dạng hoạt động: dạy học và giáo dục. Năng lực dạy học bao gồm: năng lực chuẩn bị được viết ra dưới dạng bản kế hoạch giảng dạy cụ thể, năng lực thực hiện được thể hiện trong quá trình thực hành giảng dạy và giáo dục.

Ngày nay, với những biến đổi sâu sắc của nghề dạy học, các kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cần hình thành ở người giáo viên phổ thông rộng hơn so với giai đoạn trước. Việc đổi mới đào tạo trong các trường sư phạm cần nhận thức đúng tầm quan trọng của việc đổi mới theo hướng coi trọng quá trình hình thành, rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên.

Việc xây dựng hệ thống mục tiêu, chương trình đào tạo cần theo hướng gắn với chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo và chuẩn nghề nghiệp của giáo viên. Nội dung, chương trình đào tạo phải phù hợp theo định hướng nội dung, chương trình sách giáo khoa ở nhà trường phổ thông, tức là phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành giáo dục, đồng thời cần coi trọng và có sự dịch chuyển trọng tâm vào nội dung về khoa học giáo dục, nghiệp vụ sư phạm. Xây dựng chương trình đào tạo cần đảm bảo cân đối, hợp lí giữa các môn học cơ bản với các môn học về kĩ năng sư phạm. Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên theo hướng coi trọng hình thành kỹ năng nghề nghiệp và tăng cường công tác rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên theo mô hình người giáo viên mà thực tiễn đòi hỏi. Cần cập nhật thường xuyên những xu thế thay đổi của giáo dục phổ thông theo hướng đáp ứng tốt những chức năng, nhiệm vụ trong xu thế đổi mới liên tục.

Bồi dưỡng tay nghề cho sinh viên ngành sư phạm phải gắn với thực tiễn hoạt động của giáo viên đang giảng dạy tại chính nhà trường phổ thông. Vì vậy, một mặt trường sư phạm cần gắn kết chặt chẽ với trường phổ thông để xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; mặt khác, việc gắn kết này tạo điều kiện để sinh viên được trải nghiệm thực tế giảng dạy và giáo dục ở các trường phổ thông. Các em được quan sát các tình huống và cách xử lý tình huống thậm chí các em còn được trực tiếp xử lý các tình huống giáo dục, điều này góp phần tạo nên bản lĩnh nghề nghiệp cho sinh viên. Thực tế hiện nay, mối liên kết này còn rất lỏng lẻo, sinh viên trải nghiệm thực tế trong nhà trường phổ thông chủ yếu thông qua kỳ kiến tập và thực tập (khoảng 7-8 tuần) ở cuối chu kỳ đào tạo (năm 3,4) còn lại hầu như không có liên lạc giữa sinh viên với các giáo viên phổ thông, nên họ không có điều kiện thường xuyên cập nhật kiến thức thực tế phổ thông từ chính đội ngũ giáo viên ở phổ thông.

Để sinh viên có những hình dung về nghề, về những khó khăn, những vấn đề cần chuẩn bị trước khi bước vào nghề giáo (cả về tâm lý và chuyên môn), trường sư phạm nên “đưa giáo viên phổ thông vào giảng đường đại học”. Một mặt, thường xuyên mời giáo viên phổ thông thực hiện các buổi trao đổi, giao lưu với sinh viên để sinh viên biết cần phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu nào khi làm việc trong một trường học, biết cách thức quản lý trường học. Mặt khác, cần có cơ chế đưa giảng viên (tốt nhất là các giảng viên bộ môn giáo dục học, tâm lí học, phương pháp giảng dạy bộ  môn…) về trường phổ thông để đồng hành cùng sinh viên trong quá trình thực tập. Thiết nghĩ, sự gắn kết chặt chẽ với trường phổ thông trong đào tạo ngành sư phạm không những góp phần hình thành bản lĩnh nghề nghiệp cho sinh viên mà còn giúp các em có những định hướng thật rõ ràng về nghề nghiệp.

Tóm lại, xây dựng được đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của công cuộc cải cách và đổi mới giáo dục. Điều này đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho các trường sư phạm trong việc đổi mới công tác đào tạo đội ngũ giáo viên kế cận. Mặc dù việc đổi mới đào tạo trong trường sư phạm phải được thực hiện ở trên tất cả các nội dung song với đặc thù của đào tạo ngành sư phạm, việc đổi mới đào tạo trong nhà trường cần theo hướng coi trọng quá trình hình thành rèn luyện năng lực nghề nghiệp một cách thường xuyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo, (2001), “Từ điển giáo dục học”, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  2. Đặng Thành Hưng, 2016, “Vai trò của kỹ năng trong sự phát triển con người”, Tạp chí Khoa học dạy nghề, số 31.
  3. Nguyễn Minh Đường, Phan Văn Kha, (2006), “Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiêp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
  4. Hoàng Thị Hạnh,  2016, “Kỹ năng cơ bản của sinh viên trong thực tập sư phạm”, NXBGD
  5. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng, (2001), “Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm”, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Hà, 2021, “Đổi mới đào tạo theo hướng tăng cường rèn luyện kỹ năng trong đào tạo sinh viên sư phạm tại trường Đại học Ha Tĩnh – một vài trao đổi”, Tạp chí Giáo dục & Xã hội
  7. GS.TS Nguyễn Quang Uẩn, 2008, “Giáo trình tâm lý học đại cương”, NXB Đại học Sư phạm
  8. Vũ Xuân Hùng, 2011, “Dạy học hiện đại và nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên”, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội.
  9. Một số trang web: http://ioer.edu.vn; https://baomoi.com; https://123doc.org; http://khoagiaoduc.vinhuni.edu.vn;