Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ VĂN HÓA SỐ CỦA SINH VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Tác giả: ThS. Trần Nguyên Hào - Đăng ngày: .

Văn hóa số của sinh viên theo chúng tôi có thể được hiểu là tập hợp các giá trị, hành vi và thái độ của sinh viên liên quan đến việc chấp nhận và sử dụng thông tin số, công nghệ số trong học tập, làm việc và giao tiếp khi tham gia chuyển đổi số ở môi trường giáo dục đại học. Nói cách khác, văn hóa số của sinh viên bao gồm những thói quen, phong cách, cách suy nghĩ và hành vi của họ khi sử dụng các công nghệ số để học tập, nghiên cứu, làm việc, truyền thông và giải trí. Đây là một khía cạnh quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục đại học và đòi hỏi sự hiểu biết cùng kỹ năng sử dụng công nghệ số của sinh viên.

Trong xu thế chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục Việt Nam hiện nay, văn hóa số của sinh viên thể hiện qua các đặc trưng cũng như ưu điểm, nhược điểm sau:

  1. Những đặc trưng về văn hóa số của sinh viên

Một là, sử dụng các thiết bị công nghệ và công nghệ số: Sinh viên ngày nay thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, thường xuyên sử dụng Internet với Google, mạng xã hội và khai thác sử dụng nhiều các phầm mềm, ứng dụng công nghệ. Họ sử dụng các công nghệ này cả trong học tập, nghiên cứu, làm bài tập như tìm kiếm thông tin, kiến thức, khai thác tài liệu học tập từ các nguồn trực tuyến, học trực tuyến, trao đổi, giao tiếp, tương tác vói giảng viên và bạn học, và cả trong đời sống hàng ngày như giải trí, tương tác với cộng đồng mạng xã hội.

Hai là, tích cực tham gia vào môi trường học tập trực tuyến: Với sự xuất hiện của các nền tảng học tập trực tuyến và với sự chấp nhận phương thức đào tạo trực tuyến trong chương trình đào tạo có thời lượng phù hợp của các trường đại học, sinh viên đã có thể học từ xa, tương tác với giảng viên và sinh viên khác qua các tiết học trực tuyến, các cuộc thảo luận trực tuyến, và truy cập vào hệ thống dữ liệu số, thư viện số để tiếp cận các tài liệu học tập từ bất cứ đâu. Sinh viên cũng đã sử dụng thường xuyên hơn các công nghệ như video hội thảo và các công cụ trực tuyến khác để tăng cường sự trải nghiệm học tập của mình.

Ba là, thường xuyên giao tiếp trực tuyến: Với sự phát triển của công nghệ, sinh viên hiện nay có xu hứng sử dụng nhiều phương tiện giao tiếp trực tuyến như email, tin nhắn số, video call, hội nghị trực tuyến,... để giải quyết công việc và giao tiếp.

Bốn là, tiêu thụ nhiều nội dung số: Với việc có nhiều thiết bị và phương tiện tiếp cận thông tin kế nối Internet, sinh viên hiện nay thường tiêu thụ nhiều nội dung số như sách điện tử, truyền hình trực tuyến, video trên mạng, âm nhạc số...

Năm là, thường xuyên sử dụng mạng xã hội: Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong văn hóa số của sinh viên hiện nay, Sinh viên thừng sử dụng mạng xã hội để kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp cận thông tin và và giao lưu, tương tác vói bạn bè, những người mình quan tâm.

Sáu là, tập trung vào trải nghiệm học tập cá nhân hóa: Với sự phát triển của các công nghệ cá nhân hóa, các sinh viên đang yêu cầu một trải nghiệm học tập được tùy chỉnh, phù hợp với sở thích, khả năng và nhu cầu của họ. Các giảng viên và các trường đại học đang cố gắng tạo ra các khóa học, tài liệu học tập và các hoạt động học tập được cá nhân hóa để đáp ứng xu hướng này của sinh viên.

  1. Những ưu điểm và hạn chế về văn hóa số của sinh viên trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay

* Những ưu điểm về văn hóa số của sinh viên

- Sử dụng công nghệ thông tin một cách thông minh: Sinh viên có thể sử dụng các công cụ công nghệ thông tin như phầm mềm, công cụ học tập trực tuyến, các ứng dụng cho điện thoại di động, các trang web đào tạo trực tuyến để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho mình. Điều này thể hiện tính linh hoạt và đa dạng trong phương pháp học tập của sinh viên.

- Có kỹ năng tìm kiếm thông tin và đọc hiểu thông tin trên Internet: Với lượng thông tin khổng lồ trên Internet, đa số sinh viên đã phát huy được kỹ năng của mình trong việc tìm kiếm thông và đọc hiểu thông tin trên Internet để sử dụng tài liệu học tập phù hợp, tìm hiểu các thông tin về hoạt động ngoại khóa, đánh giá chương trình đào tạo trực tuyến ...

- Có khả năng sử dụng các ứng dụng công nghệ: Với việc nhiều trường đại học chuyển sang dạy học trực tuyến trong bối cảnh Covid - 19 diễn biến phức tạp trước đây hay kết hợp dạy học trực tuyến với dạy học trực tiếp trên lớp hiện nay, sinh viên đã có khả năng tốt trong việc sử dụng các ứng dụng giao tiếp và làm việc nhóm như Google Meet, Google Classroom, Zoom, Microsoft Teams, ... để có học trực tuyến cũng như liên lạc với giáo viên và bạn bè. Nhiều sinh viên đã sử dụng ngày càng nhiều hơn các ứng dụng hỗ trợ học tập như Quizlet , Duolingo, hoặc Khan Academy cung cấp cho sinh viên những kiến thức cần thiết và giúp tăng cường kỹ năng học tập. Sinh viên có thể học tập theo tốc độ của riêng mình và theo định hướng của mình. Nhiều sinh viên đã sử dụng các ứng dụng quản lý thời gian như Google Calendar, Asana, Notion, Trello giúp cho việc học tập có hiệu quả hơn. Các ứng dụng này giúp cho sinh viên có thể lập kế hoạch công việc, theo dõi tiến độ học tập và hoàn thành đúng deedline.

- Có khả năng thích ứng với công nghệ mới và thúc đẩy sự phát triển kỹ năng của mình.

- Có khả năng sáng tạo và tư duy độc lập: Với sự tự do trong việc truy cập thông tin, sử dụng các ứng dụng công nghệ, những sinh viên có kỹ năng tư duy logic và kỹ năng tư duy phản biện tốt đã phát triển được trí sáng tạo và tư duy độc lập của mình. Những kênh truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, Tik Tok, Youtube, Blog... đã cung cấp cho sinh viên cơ hội để chia sẻ ý tưởng, kiến thức và kinh nghiệm của mình với cộng đồng mạng.

- Việc sinh viên sử dụng phổ biến các ứng dụng giải trí và mạng xã hội để giải trí và kết nối với bạn bè cũng giúp sinh viên giảm stress sau giờ học và thư giản tinh thần. Mặt khác, việc tham gia vào và xây dựng các cộng đồng trực tuyến thông qua các mạng xã hội đã giúp sinh viên thể hiện được sự thân thiện và hỗ trợ nhau trong học tập và trong đời sống. Sinh viên còn có cơ hội tham gai vào các hoạt động xã hội như hiến máu, tình nguyện, quyên góp.. thông qua các ứng dụng hỗ trợ như ZaloPay, Momo hoặc thông qua các trang web và diễn đàn trực tuyến về tình nguyện.

* Những hạn chế về văn hóa số của sinh viên

- Sự phụ thuộc vào công nghệ. Mặc dù đa số sinh viên rất thoải mái khi sử dụng công nghệ nhưng sự quá lạm dụng công nghệ dẫn đến sinh viên quá phụ thuộc vào công nghệ và không thể hoàn thành các  nhiệm vụ cơ bản nếu không có sự hỗ trợ từ các công nghệ. Điều này làm cho sinh viên giảm sút sự tự nổ lực phát huy hết tất cả những nội lực của bản thân sinh viên trong quá trình giải quyết vấn đề, nhiệm vụ được đặt ra.

- Thiếu kỹ năng kỹ thuật: Năng lực công nghệ thông tin và kỹ năng kỹ thuật của đa số sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai còn hạn chế, chưa đủ để sử dụng thật sự hiệu quả các công nghệ số như phần mềm, ứng dụng và các trang web mới.

- Sự thiếu kiện nhẫn và tự disclipine: Sử dụng công nghệ số đòi hỏi một sự kiên nhẫn và tự disclopine để học cách sử dụng chúng hiệu quả, điều này có thể khó khăn đối với một số sinh viên.

- Thiếu kinh nghiệm hoặc không được hỗ trợ: Một số sinh viên có thể thiếu kinh nghiệm hoặc không được hỗ trợ đầy đủ trong việc sử dụng công nghệ số, điều này có thể làm giảm hiệu quả học tập của họ.

- Thiếu kỹ năng quản lý thời gian: Dù đã có rất nhiều công nghệ và ứng dụng giúp sinh viên quản lý thời gian và công việc nhưng nếu không có kỹ năng quản lý thời gian tốt, sinh viên vẫn có thể gặp khó khăn trong hoàn thành nhiệm vụ và học tập hiệu quả do thói quen sử dụng điện thoại, mạng xã hội quá nhiều

- Sự sao chép và lạm dụng thông tin:  Khi sử dụng Internet và các công nghệ số, sinh viên dế dàng sao chép và sử dụng thông tin một cách không đúng đắn. Điều này có thể dẫn đến việc vi phạm bản quyền hoặc các vấn đề khác liên quan đến đạo đức học thuật. Mặt khác, nhiều sinh viên chưa có kỹ năng tìm kiếm thông tin trực tuyến tốt nhưng lại thường lạm dụng thông tin nên dễ bị nhầm lẫn hoặc lạc lối trong học tập và nghiên cứu khoa học.

- Khó khăn trong việc thích nghi với văn hóa số mới: Việc thích nghi với văn hóa số mới, bao gồm việc thay đổi phong cách học tập trở thành một thách thức đối với một số sinh viên. Họ phải cần thêm thời gian để thích nghi và phải hiểu rõ hơn về lợi ích của chuyển đổi số trong quy trình đào tạo, quản lý của trường đại học nói chung và trong học tập của sinh viên nói riêng.

 

Việc nhận thức đúng đắn các đặc điểm về văn hóa số của sinh viên sẽ giúp các cơ sở giáo dục sớm hình thành và phát triển văn hóa số cho sinh viên trong quá trình triển khai chuyển đổi số. Trước hết, các cơ sở giáo dục đại học cần tạo ra một môi trường học tập kỹ thuật số thúc đẩy việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập. Các chương trình đào tạo cần được cải thiện để đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong thế giới số hóa. Đồng thời, việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp và cung cấp tài liệu số phong phú cũng là yếu tố quan trọng trong việc phát triển văn hóa số cho sinh viên trong tiến trình chuyển đổi số. Bên cạnh việc trang bị cho sinh viên những kiến thức về chuyển đối số trong giáo dục đại học, những kỹ năng số cơ bản trong quá trình chuyển đổi số, đội ngũ lãnh đạo giáo dục đại học cần hình thành ở sinh viên sự hứng thú, tâm thế sẵn sàng, thói quen tích cực, chủ động tham gia chuyển đổi số và thực hiện các nhiệm vụ học tập, nghiên cứu trong môi trường số đã và đang hình thành, phát triển.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Bộ Thông tin và Truyền thông, Cẩm nang chuyển đổi số, Hà Nội, NXB Thông tin & Truyền thông, 2020, tr.15

[2] Ngô Thị Thu Dung, “Cơ sở lý luận về chuyển đổi số trong dạy học đại học”, Tạp chí KH&CN Trường Đại học Hòa Binh, Số tháng 01, 9/2021

[3] Trần Đắc Hiển, Lê Thị Hoa, “Chuyển đổi số đối với tạp chí khoa học và công nghệ ở Việt Nam”, Tạp chí Thông tin tư liệu, số tháng 1, 2022, tr.3-11

[4] Trần Nguyên Hào, “Phát triển văn hóa số cho sinh viên trong xu thế chuyển đổi số ở Việt Nam, Tạp chí khoa học, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, Số 25, 9/2023