Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Từ phương pháp bạo lực cách mạng của Đảng đến sự ra đời của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Tác giả: ThS. Lê Thị Thái - Đăng ngày: .

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Với Cương lĩnh chính trị đầu tiên thông qua tại Hội nghị hợp nhất và Luận cương chính trị thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Đảng ta đã đề ra đường hướng phát triển và những vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam. Về phương pháp cách mạng, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đàng ta đã khẳng định: phải bằng con đường bạo lực cách mạng của quần chúng, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được thoả hiệp; phải ra sức chuẩn bị cho quần chúng về con đường “võ trang bạo động”.

Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: Đấu tranh cách mạng nói chung và đấu tranh vũ trang nói riêng là sứ mạng của quần chúng. Lực lượng vũ trang phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Khi vừa mới ra đời, Đảng không có sẵn một đơn vị vũ trang của mình, Đảng phải bắt tay xây dựng lực lượng vũ trang từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn chỉnh đển hoàn chỉnh. Trong các văn kiện đầu tiên của Đảng, những quan điểm quân sự cơ bản đầu tiên đã hình thành: Vũ trang cách mạng là một phương thức cơ bản để giành chính quyền; Nhiệm vụ chính trị quyết định nhiệm vụ quân sự.

Đảng ta cũng đã chủ trương đặt vấn đề tổ chức quân đội công - nông, trước hết là các đội tự vệ công - nông, đội du kích, làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm 1930-1931, khi vừa mới ra đời, Đảng đã phát động một phong trào đấu tranh mạnh mẽ, rộng khắp cả nước, phát triển thành cao trào cách mạng mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Các cuộc đấu trang không đơn thuần là đấu tranh kinh tế, chính trị như trước, mà quần chúng đã dùng bạo lực cách mạng phá huyện đường, nhà lao, vây đồn lính, trừng trị cường hào địa chủ...Để đối phó với sự đàn áp điên cuồng của đế quốc Pháp, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho hai tỉnh thành lập các đội tự vệ để bảo vệ quần chúng đấu tranh. Các đội này được trang bị gậy gộc, giáo mác, liềm , hái...Phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, các đội tự vệ càng phát triển. Sau đó, có các đội du kích lần lượt ra đời: Đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), đội Cứu quốc quân, Quân du kích Nam Kỳ, Đội du kích Pác Pó (Cao Bằng)...Những đội tự vệ đỏ ấy là những mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân do Đảng lãnh đạo.

Tháng 9 năm 1940, Phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn, đổ bộ vào Hải Phòng. Thực dân Pháp buộc phải ký hiệp định chấp nhận cho Nhật chiếm đóng một số địa bàn ở Đông Dương. Nhân dân ta rơi vào cảnh một cổ hai tròng, đã vùng lên khởi nghĩ ở nhiều nơi. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị vào ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 1940 tại Bắc Ninh. Hội nghị đã nêu rõ nhiệm vụ: “Đảng phải chuẩn bị để giành lấy sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo các dân tộc Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”.

Vào tháng 5 năm 1941, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Đảng đã đề ra chủ trương thành lập lực lượng vũ trang toàn quốc bằng nhiều hình thức trong đó có việc mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có làm cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu sẵn sàng gây cuộc khởi nghĩa”.

Cuối năm 1941, Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập một đội vũ trang ở Cao Bằng để thúc đẩy phát triển cơ sở chính trị và chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang. Cuối năm 1944, ở Cao - Bắc - Lạng, cấp uỷ địa phương gấp rút chuẩn bị phát động chiến trang du kích trong phạm vi ba tỉnh. Lúc đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở lại Cao Bằng, kịp thời quyết định đình chỉ phát động chiến tranh du kích trên quy mô rộng lớn vì chưa đủ điều kiện. Tiếp đó, Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, xác định nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động và phương châm tác chiến của lực lượng vũ trang.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời ở Cao Bằng. Đội đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị và quân sự, xây dựng cơ sở cách mạng, góp phần củng cố và mở rộng  khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Dành cho bậc đại học không chuyên lý luận chính trị). NXB Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  2. Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam(2024), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.