Tìm hiểu lý luận của Chủ nghĩa Mác Lê Nin về thương mại quốc tế trong chủ nghĩa tư bản
Thương mại quốc tế là sự trao đổi sản phẩm của lao động dưới dạng hàng hoá hữu hình và vô hình giữa các quốc gia và các khu vực khác nhau của thế giới do chuyên môn hoá ngày càng sâu và phân công lao động xã hội mở rộng từ địa bàn quốc gia sang địa bàn quốc tế.
Thương mại quốc tế ra đời từ cổ xưa, song vì tất cả các phương thức sản xuất trước chủ nghĩa tư bản đều dựa trên cơ sở kinh tế tự nhiên nên lưu thông hàng hoá quốc tế chỉ bao gồm một phần nhỏ những sản phẩm được sản xuất. Khi chủ nghĩa tư bản ra đời, với mục đích thu lợi nhuận ngày càng tăng, nên sản xuất tư bản phát triển không ngừng "vượt ra ngoài giới hạn của làng xã, của cái chợ địa phương, của từng vùng, rồi vượt ra ngoài giới hạn nữa". Điều đó dẫn đến mở rộng một cáchđáng kể quy mô thương mại quốc tế. Như vậy, nguồn gốc cơ bản của thương mại quốc tế xuất phát từ sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hoá được mở rộng ra khỏi phạm vi quốc gia, rồi ra thị trường thế giới nhằm phát huy lợi thế của nước mình đưa lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế đất nước.
Hình thức biểu hiện của thương mại quốc tế là sự vận động của các luồng hàng hoá dịch vụ từ quốc gia này tới quốc gia khác và chịu sự điều tiết của quy luật giá trị, dựa trên nguyên tắc ngang giá, lấy mối tương quan giữa các đồng tiền quốc gia (tỉ giá hối đoái) làm môi giới.
Thực chất, khởi thuỷ của thương mại quốc tế dựa trên cơ sở trao đổi không ngang giá do sự khác biệt về sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc cư trú tại các vùng lạc hậu, chậm phát triển của thế giới với các nước phát triển hay do được hưởng những điều kiện thuận lợi…Rõ ràng, người ta chỉ xuất khẩu những hàng hoá mà người ta có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn, như: chi phí sản xuất thấp, điều kiện sản xuất dễ dàng hơn để đem bán ở những nơi cần đến những sản phẩm đó mà nơi đó không có điều kiện sản xuất.
Đối với chủ nghĩa tư bản, nhờ tước đoạt được các nguồn lực to lớn của các dân tộc lạc hậu bằng cả thương mại quốc tế bất bình đẳng và bạo lực đã hoàn thành các cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất vào thế kỉ XVIII để khẳng định mình và chiến thắng phương thức sản xuất phong kiến, đã dùng chính vũ khí mà thành quả của cuộc cách mạng công nghệ mang lại để sản xuất ra những hàng hoá tốt, giá cả rẻ để mở rộng quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra khắp thế giới thông qua thương mại quốc tế. "Giá rẻ của các sản phẩm ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lí trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải phục tùng. Nó buộc tất cả các dân tộc phải tiến hành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nếu không sẽ bị tiêu diệt, nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó".Điều đó chứng tỏ rằng thương mại quốc tế thực chất là sự vận động của các luồng tư bản hàng hoá, là sự lan toả của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra khắp thế giới thông qua sản xuất và trao đổi hàng hoá.
Hàng hoá xuất khẩu là những thành phẩm trong đó chứa đựng giá trị thặng dư do người công nhân chính quốc tạo ra. Giống như mọi hàng hoá, chúng đều phải được thực hiện giá trị để đưa lại lợi nhuận cho nhà tư bản, chỉ khác một điều là nó không phải thực hiện ở thị trường trong nước mà thực hiện giá trị trên thị trường thế giới nhằm đưa lại lợi nhuận cao hơn với quy mô và số lượng nhiều hơn cho nhà tư bản. Người ta sẽ không mang hàng hoá đi bán ở những nơi xa xôi nếu nơi đó không mang lại lợi nhuận cao hơn và dễ dàng hơn cho họ.
Với xuất khẩu hàng hoá, giai cấp tư sản chính quốc không những thu được giá trị thặng dư do giai cấp công nhân lao động trong nước tạo ra mà còn thu được phần lợi nhuận cao hơn do lợi thế của kĩ thuật, do lạm dụng, kích thích vào tâm lí, thị hiếu của người bản xứ mà thu được phần lợi nhuận cao hơn giá trị của hàng hoá.
Như vậy, với xuất khẩu hàng hoá, chủ nghĩa tư bản đã vươn bàn tay ra khỏi biên giới lãnh thổ nước mìnhđể tìm kiếm lợi nhuận ở bên ngoài thế giới.
Khi thương mại quốc tế phát triển, các quan hệ trao đổi mua bán giữa các quốc gia phát triển đan xen lẫn nhau. Sự trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia trong thị trường thế giới tuân theo quy luật giá trị.
Thế nhưng, mặc dù sự trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa các nước phát triển và kém phát triển dựa trên cơ sở ngang giá nhưng vẫn còn bóc lột, vẫn đưa lại lợi nhuận cao cho nhà tư bản, các quốc gia kém phát triển vẫn bị thua thiệt trong quan hệ này.
Xét bản thân quá trình trao đổi hàng hoá, chúng ta thấy rằng hàng hoá đem ra trao đổi chứa đựng trong đó cả lao động sống và lao động sản xuất hàng hoá, đưa ra thị trường thế giới để thực hiện giá trị, biến sản phẩm thặng dư thành giá trị thặng dư. Cố nhiên, sự kết tinh của lao động của các nền kinh tế với nhau đứng đối diện nhau, trao đổi ngang giá với nhau. Sự bóc lột nằm ngay trong bản thân hành vi trao đổi ngang giá đó.
Bởi vì, xuất phát điểm và sức mạnh của mỗi quốc gia là không ngang nhau. Việc trao đổi mua bán, cạnh tranh bình đẳng cho các nền kinh tế có trình độ kinh tế khá xa nhau thực chất là sự bất bình đẳng. Trên sân chơi "ngang bằng" nhau, cạnh tranh "bình đẳng" ấy, những nền kinh tế lớn mạnh, những công ty có sức mạnh nhất định sẽ chiếm ưu thế, lấn át những nước, những nền kinh tế kém phát triển. Đây là một thực tế. Và thực tế đó còn được phát triển mạnh mẽ do tác động của quy luật giá trị. Quy luật này không chỉ phân hoá những người sản xuất hàng hoá thành kẻ giàu, người nghèo mà còn phân hoá các nước tham gia vào thương mại quốc tế thành những nước giàu và nước nghèo.
Chính điều đó làm cho khoảng cách giữa các nước chậm và đang phát triển với những nước phát triển ngày càng lớn. Đặc biệt, khi các nước phát triển kìm hãm các nước đang phát triển trong vòng lệ thuộc, không chuyển giao công nghệ, biến những nước kém, đang phát triển thành những nước cung cấp nguyên liệu thô, tiêu thụ sản phẩm tinh chế.
Ngày nay, để rút ngắn khoảng cách, các nước nghèo và đang phát triển đang tích cực mở cửa nền kinh tế, tham gia tích cực vào quá trình tự do hoá thương mại. Một mặt, các nước nghèo và đang phát triển phải đẩy mạnh phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ hiện đại, phát triển lực lượng sản xuất nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, mặt khác phải không ngừng đấu tranh vì một trật tự kinh tế thế giới công bằng, chống phân biệt đối xử, bất bình đẳng trong quan hệ kinh tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- C. Mác - Ăngghen - Toàn tập. NXB CTQG HN. 1995- T4.tr.602
2. V.I. Lênin - Toàn tập - NXB Tiến bộ M. T3. tr.63).
Tin mới
- Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn giáo dục kinh tế và pháp luật - 11/06/2024 08:46
- Giáo dục quyền con người trong chương trình môn giáo dục kinh tế và pháp luật cấp trung học phổ thông - 07/05/2024 00:58
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực sư phạm cho sinh viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông - 15/04/2024 09:26
- Khát vọng bình đẳng trong tư tưởng của Nguyễn Du - 14/02/2024 08:01
- Từ phương pháp bạo lực cách mạng của Đảng đến sự ra đời của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - 15/01/2024 01:02
Các tin khác
- KHUNG NĂNG LỰC SỐ THEO QUAN ĐIỂM CỦA UNESCO - 17/12/2023 08:18
- Nhận diện hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân trong bối cảnh hội nhập - 24/10/2023 08:29
- Giữ gìn và phát huy giá trị nhân văn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 11/08/2023 08:28
- Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu kinh tế Vũng Áng - 11/08/2023 08:27
- Nâng cao vai trò của Giáo viên cố vấn học tập nhằm tăng cường chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hà Tĩnh - 27/06/2023 16:37