Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Đổi mới phương pháp dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật theo định hướng phát triển năng lực

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Đăng ngày: .

  1. Định hướng chung về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực

Dạy học theo định hướng phát triển năng lực chính là phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng sách giáo khoa, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin,...), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy.  Lựa chọn một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên, dù sử dụng bất kì phương pháp nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”. Việc sử dụng phương pháp dạy học gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tuỳ theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp... Cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập.

  1. Dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật theo định hướng phát triển năng lực

Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung chủ yếu của môn học là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi; mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; được lồng ghép với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân...

Trong dạy học môn GDKT&PL, giáo viên cần phải biết kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học khác nhau theo hướng tích cực hoá hoạt động của học sinh; tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học đặc thù của môn học như: thảo luận nhóm (dạy học hợp tác); đóng vai; dự án; giải quyết vấn đề, phân tích trường hợp điển hình kết hợp nêu những tấm gương công dân tiêu biểu; xử lí tình huống có tính thời sự về đạo đức, pháp luật và kinh tế.

* Một số phương pháp dạy học thường được áp dụng trong môn GDKT&PL

Phương pháp dạy học dự án

Dạy học dự án là phương pháp dạy học, trong đó HS thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết với thực hành tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được học sinh thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học.

Cách tiến hành của phương pháp này:

Giai đoạn chuẩn bị dự án, gồm: đề xuất ý tưởng và lựa chọn đề tài; chia nhóm và nhận nhiệm vụ; lập kế hoạch.

Giai đoạn thực hiện dự án, gồm: đề xuất các phương án giải quyết; nghiên cứu tài liệu thu thập thông tin, thực hiện điều tra, thảo luận với các thành viên khác, tham vấn giáo viên hướng dẫn.

Giai đoạn báo cáo và đánh giá dự án, gồm: học sinh thu thập kết quả, công bố sản phẩm trước lớp; giáo viên đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện dự án của học sinh, đánh giá sản phẩm và rút kinh nghiệm để thực hiện những dự án tiếp theo.

Phương pháp dạy học hợp tác (thảo luận nhóm)

Dạy học hợp tác là phương pháp dạy học trong đó giáo viên tổ chức cho học sinh hình thành các nhóm hợp tác, cùng nghiên cứu, trao đổi ý tưởng và giải quyết vấn đề do giáo viên đặt ra. Từ đó giúp học sinh tiếp thu một lượng kiến thức nhất định dựa trên cơ sở hoạt động tích cực của từng cá nhân. Từng thành viên của nhóm không chỉ có trách nhiệm về việc học tập của mình mà còn có trách nhiệm quan tâm đến việc học tập của bạn bè trong nhóm.

Quy trình thực hiện:

Giai đoạn chuẩn bị, gồm: xác định tiêu chí thành lập nhóm; thiết kế hoạt động kết hợp cá nhân, theo cặp, theo nhóm; xác định thời gian phù hợp cho từng hoạt động; thiết kế các phiếu/ hình thức giao nhiệm vụ cho các nhóm.

Giai đoạn tổ chức dạy học hợp tác, gồm: giao nhiệm vụ học tập; thực hiện nhiệm vụ học tập có sự hợp tác; trình bày kết quả và đánh giá kết quả của hoạt đọng hợp tác.

Ví dụ minh họa

Khi dạy nội dung “ Hoạt động sản xuất và vai trò của hoạt động sản xuất” thuộc Bài 1. Các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội, Lớp 10 (sách Cánh Diều), GV sử dụng phương pháp dạy học hợp tác như sau:

Giai đoạn chuẩn bị:

Xác định tiêu chí thành lập nhóm: theo sở trường của HS

Thiết kế các hoạt động: cá nhân kết hợp với nhóm

Xác định thời gian phù hợp.

Giai đoạn tổ chức dạy học hợp tác:

Bước 1. Chia lớp thành 4 nhóm và giao nhiệm vụ cho HS

Cá nhân quan sát hình ảnh và đọc thông tin 1, 2, 3. Sau đó làm việc theo nhóm. Từng thành viên chia sẻ hiểu biết của mình về 2 câu hỏi trong SGK.

Nhóm thảo luận tập trung, chọn nội dung đúng nhất để chia sẻ trước lớp.

Bước 2. HS thực hiện nhiệm vụ: thư ký ghi lại câu trả lời của các thành viên, trao đổi chọn lọc ý kiến đúng để đại diện nhóm trình bày trước lớp.

Bước 3. Đại diện các nhóm báo cáo kết quả của nhóm mình. Các nhóm khác nhận xét, góp ý, bổ sung.

Giáo viên dựa vào sản phẩm của các nhóm và những trao đổi, lập luận của HS để nhận xét, đánh giá và hướng dẫn HS rút ra kết luận.

* Thực hiện tiết dạy môn GDKT&PL theo định hướng phát triển năng lực

Hoạt động khởi động: tạo tâm thế tích cực, không khí thoải mái cho các em chuẩn bị tiếp thu bài mới.

Hoạt động khám phá: Tìm hiểu kiến thức mới của bài học. Mục đích là giúp học sinh chiếm lĩnh được kiến thức, kỹ năng mới và bổ sung vào hệ thống kiến thức, kỹ năng của mình.

Hoạt động luyện tập: củng cố, rèn luyện kiến thức kỹ năng đã được hình thành ở phần khám phá với các nội dung kiến thức vừa học qua đó áp dụng kiến thức vừa học vào giải quyết các câu hỏi, bài tập tình huống trong học tập hoặc trong thực tiễn.

Hoạt động vận dụng: học sinh thực hành một số hoạt động việc làm cụ thể gắn với thực tiễn cuộc sống.

Tóm lại: Đổi mới phương pháp dạy học không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện và khả năng phân tích các vấn đề trong thực tiễn xã hội để các em nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, đất nước. Vì vậy, để dạy học môn GDKT&PL theo định hướng phát triển năng lực học sinh đạt hiệu quả, yêu cầu giáo viên phải vận dụng linh hoạt các phương pháp vào thiết kế bài dạy học theo trình tự cấu trúc các hoạt động linh hoạt, mềm dẻo nhưng phải đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu cần đạt trong từng chủ đề/ bài học nhằm đáp ứng tốt mục tiêu môn học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018, Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), Hà Nội, 2018.

[2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2014,  Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh (Tài liệu tập huấn năm 2014).

 [3]. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Tổng chủ biên), 2022, Sách giáo khoa; Sách giáo viên, Sách bài tập Giáo dục kinh tế và pháp luật 10, Nxb Đại học Huế, 2022.