Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Chủ nghĩa freud - những vấn đề đặt ra cho công tác lý luận và xây dựng nền văn hoá ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hằng - Đăng ngày: .

Chủ nghĩa Freud đã ảnh hưởng lớn đối với tư duy hiện đại, ngay cả Einstein cũng không kích thích trí tưởng tượng hay thâm nhập vào đời sống của con người như Freud. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng không phải y học đã cuốn hút Freud lúc còn trẻ, mà ngược lại chính ông lại quan tâm và chú ý đến nhiều lĩnh vực khoa học mới mẻ này. Trong xu thế hội nhập toàn cầu những tư tưởng của chủ nghĩa Freud không chỉ giới hạn trong khu vực sáng tạo ra nó, mà còn lan toả ra hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta. Để giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, chuyển tải được những tinh hoa của cha ông được hình thành và định hình trong bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời tiếp cận được những giá trị chân chính và hiện đại của văn minh nhân loại thì, phải không ngừng đấu tranh chống lại những thâm nhập độc hại của những tư tưởng phương Tây, nhất là những biểu hiện thiếu lành mạnh đang hiện diện trên văn đàn, trong cuộc sống của con người Việt Nam hiện nay.

  1. Nhận định về Chủ nghĩa Freud từ góc nhìn của phép biện chứng duy vật mácxít

             Phân tâm học là một trào lưu tư tưởng lớn của thế kỷ XX. Gần một trăm năm đã trôi qua, dù cho xuất hiện không ít các quan điểm và ý kiến trái ngược nhau về học thuyết của Freud, nhưng Phân tâm học do Freud sáng lập vẫn tiếp tục phát triển và tự khẳng định sức sống của mình trong đời sống tinh thần của thế giới hiện đại.

          Từ góc độ triết học, học thuyết Freud hoàn toàn đối lập với quan điểm của triết học Mác: chỉ có ở con người mới có ý thức. Ý thức do tồn tại xã hội quyết định và nó cũng tác động trở lại đến sự tồn tại xã hội. Song, bên cạnh đó ý thức cũng tác động đến môi trường xã hội để hình thành nhân cách của con người. Việc tách rời cá nhân với xã hội, tập trung lấy vô thức để giải thích mọi hiện tượng về con người và xã hội loài người là hoàn toàn xa lạ với phương pháp luận mác- xít. Điều này, nhiều nhà tư tưởng trong đó có các học trò của ông đã nhận thấy và tìm cách bổ sung và hoàn thiện.

Về mặt tâm lý học, nhờ Freud mà ngày nay người ta có cơ sở để hiểu mình hơn và hiểu các giá trị của cuộc sống. Trong chừng mực nào đó họ đã nhận ra những giá trị tư tưởng của Freud như ảnh hưởng của tiềm thức, vô thức đối với ý thức, nguồn gốc tính dục của bệnh tinh thần, sự hiện hữu và tầm quan trọng của tính dục trẻ thơ; tác dụng của mặc cảm Oedipus vào các giấc mộng, tình trạng ẩn ức, dồn nén

Công lao lớn nhất của Freud là tìm ra được nguồn gốc của vô thức. Một  vấn đề to lớn mà hiện nay các khoa học về con người đang đi sâu nghiên cứu, khám phá, làm sáng tỏ. Học thuyết Phân tâm học về vô thức là viên gạch đặt nền móng cho việc nghiên cứu tâm lý học trong tương lai.. Như vậy, Freud đã khám phá một thế giới vô thức mà trước đây chưa được khám phá. Tâm lý học trước đây vốn chỉ nghiên cứu những hiện tượng ý thức, thì nay đã được sáng rõ thêm những vấn đề vô thức, làm phong phú thêm về thế giới tâm hồn của chúng ta.

Một nhà văn Anh, Robert Hamiton đã đánh giá: Freud đã vẽ bản đồ khoa tâm lý học. Ông là một nhà tiên phong vĩ đại bởi ông, đã buộc thế giới phải suy tư theo kiểu tâm lý học, đó là một nhu cầu thiết yếu của thời đại chúng ta. Ông cũng đã buộc con người phải tự đặt cho mình những câu hỏi liên quan đến hạnh phúc của loài ngươì.

Freud đã áp dụng lý thuyết của ông vào việc nghiên cứu bản chất con người, ông cho rằng có một số điểm giống nhau về người nguyên thuỷ với người nhiễu tâm. Rõ ràng quan điểm này phủ nhận qui luật đấu tranh và sinh tồn của Darwin, là hoàn toàn đối lập với triết học mácxít bởi nó tách rời điều kiện xã hội với việc hình thành nhân cách con người, cho rằng cái sinh vật và vô thức là yếu tố quyết định của việc hình thành nhân cách.

Như vậy, Chủ nghĩa Freud đã ảnh hưởng tốt đến nhiều lĩnh vực trong đời sống tinh thần con người. Bên cạnh đó, cũng có nhiều hạn chế vì quá đề cao vai trò của libido, vô thức,  chú ý đến vai trò cá nhân mà không chú ý đến vai trò xã hội trong đời sống con người .Chính vì vậy khi nghiên cứu chúng ta phải biết gạn đục và khơi trong để thấy được những mặt tích cực của Chủ nghĩa Freud.

  1. Những vấn đề đặt ra cho công tác lý luận và xây dựng nền văn hoá ở Việt Nam hiện nay

         Phải thừa nhận rằng, học thuyết của Freud chưa có đóng góp gì về mặt lý luận cho Đảng ta trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, cơ sở lý luận của ông về vấn đề con người và xã hội chỉ được bắt đầu từ  hai khái niệm cơ bản là libido và vô thức.  Hai khái niệm này, rõ ràng không đủ để giải thích cho sự phát triển của mỗi cá nhân, chứ nói gì đến phát triển toàn xã hội. Một xã hội văn minh đòi hỏi phải có sự phát triển một cách hài hoà trên tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, từ nông thôn đến thành thị, từ những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh đến tận nơi biên cương, hải đảo...

Nhưng dẫu sao, học thuyết Freud cũng đã có những ảnh hưởng đến sự tồn tại con người và đi sâu khai thác vấn đề tinh thần con người. Vì thế, trên những mặt tích cực, hạn chế này chúng ta cần có phương pháp giáo dục, thông tin, tuyên truyền nhằm  làm cho mọi công dân Việt Nam, mọi tầng lớp trong xã hội hiểu đúng về Chủ nghĩa Freud cũng như các trào lưu tư tưởng phương Tây với mục đích chính là ổn định về mặt nhận thức. Chúng ta không thể đóng cửa hội nhập, bởi hội nhập đã là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta, của nhân dân ta, thực tế gần 40 năm đổi mới đã chứng minh điều đó. Đúng như một bậc hiền triết Ấn Độ R.Ta-go đã nói: “Nếu đóng cửa cốt ngăn chặn mọi lỗi lầm thì chân lý cũng đứng ngoài cánh cửa”[5 ,tr.452].

Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã làm rõ thêm con đường cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đây không chỉ là vấn đề lý luận thuần tuý mang tính chất học thuật, mà cả những quan điểm chính trị, đặt đường lối chung cho cách mạng Việt Nam. Trước tình hình thực tế của đất nước, để hạn chế những trào lưu tư tưởng phương Tây cũng như tránh những ảnh hưởng xấu của Chủ nghĩa Freud chúng ta phải xây dựng và hình thành lối sống lành mạnh, trong sáng nhằm góp phần tích cực cho công việc xây dựng một nền văn hoá dân tộc vừa mang tính truyền thống vừa hiện đại, công việc của chúng ta là:

- Thấm nhuần cương lĩnh lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong các Đại hội, đó là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam từ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng ta hiện nay và trong những thập kỷ tới. Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục cho con người Việt Nam biết kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Giáo dục cho công dân hiểu tư tưởng của Người về giải phóng con người, là giải phóng mình khỏi kiếp lầm than, nô lệ, giải ở sức lao động mỗi khi có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, chứ không phải giải phóng cái bản năng, dục vọng theo nghĩa của Freud.

- Tuyên truyền sức mạnh nhân dân, sức mạnh dân tộc qua mọi thời đại đã mang lại những giá trị truyền thống cho dân tộc, cho hôm  nay và cho cả mai sau: “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn” (Chế Lan Viên).

- Triển khai liên tục và sâu rộng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm phát huy chủ nghĩa yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, đi đôi với đề cao tinh thần quốc tế chân chính.  Giáo dục cho thanh thiếu niên biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; hiểu được các giá trị và chuẩn mực đạo đức, hình thành hệ thống các giá trị đặc trưng của một dân tộc bao gồm chính trị, đạo đức, luật pháp, khoa học, văn nghệ, các thể chế, thiết chế văn hoá, tập quán, lối sống, ... tạo nên nền tảng tinh thần của mỗi dân tộc.

- Giáo dục cho công dân biết kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là khoa học công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại; nhưng vẫn giữ gìn nét đặc trưng văn hoá dân tộc nhằm chống lại nguy cơ phương Tây hoá cũng như mọi ý đồ xâm nhập của văn hoá phương Tây. Một nhà lãnh đạo của Ả-rập Xêút cũng đã nói: “Nhập khẩu từ phương Tây những sản phẩm công nghệ cao là điều tốt, nhưng nhập khẩu những thể chế chính trị và xã hội là dẫn đến cái chết. Chúng ta cần hiện đại hoá nhưng không cần phương Tây hoá”[5, tr.482].

- Giáo dục việc thực hiện công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển, chống áp bức, chống bất công đồng thời phải xây dựng lối sống lành mạnh cho mọi người, cho xã hội. Đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực, lệch lạc, sai trái. Thực tế của những năm đổi mới cho thấy sự suy thoái về đạo đức, tham nhũng, cựa quyền ở một số cán bộ công chức nhà nước làm cho quần chúng nhân dân lao động mất niềm tin ở sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân và xã hội bất bình. Giáo dục lối sống mới vừa truyền thống vừa hiện đại, phải giữ gìn những nét đặc trưng của nền văn hoá dân tộc, bên cạnh đó  cũng phải biết lựa chọn những cái hay cái đẹp của nền văn minh nhân loại.. Trong các lĩnh vực đời sống xã hội luôn luôn diễn ra sự đan xen và đấu tranh giữa cái mới và cái cũ là tất yếu; đòi hỏi mọi người nhận thức đúng và tìm ra hướng đi thích hợp.

 Nhân loại đang ở trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập, Việt nam cũng không nằm ngoài qui luật này. Xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh” là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Để có được điều đó, chúng ta phải đổi mới, mở cửa, hội nhập, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, thậm chí chấp nhận Chủ nghĩa Freud cũng như các trào lưu tư tưởng phương Tây. Vấn đề đặt ra là, chúng ta chấp nhận như thế nào. Muốn có được điều đó, chúng ta phải có quan điểm để thừa nhận những điểm nào là tiến bộ, là hạn chế của Chủ nghĩa Freud. Chúng ta phải hiểu được, thấm nhuần sâu sắc những gì là văn hoá của phương Tây khi đó mới có nhận thức đúng. Đồng thời chúng ta phải hình thành được lối sống trong sáng, lành  mạnh, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, như nghị quyết TW5, khoá VIII đã chỉ ra.

                                    TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].  C.Mác và Ph.Ăngghen(1995), Toàn tập, Tập 1,2,3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2].  David Stafford- Clark (2000), Freud đã thực sự nói gì, NXB Thế giới.

[3]. Bùi Đăng Duy- Nguyễn Tiến Dũng (2003), Lược khảo triết học phương Tây hiện đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[4]. Đảng CSVN (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[5]. Lê Huy Hoà- Hoàng Đức Nhuận (1999), Văn hoá Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hoá dân tộc.