Phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh qua tổ chức dạy học bài 3 “Thị trường”, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật (bộ sách Cánh Diều, nhà xuất bản Đại Học Huế) - một vài kinh nghiệm trao đổi
Ở trường trung học phổ thông, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là một lựa chọn dựa trên mong muốn và hướng nghề nghiệp của từng học sinh. Đây là môn học dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật, Kiểm sát, ... hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học. Nội dung chủ yếu của môn học là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Trong mỗi khối lớp 10, 11, và 12, khung chương trình cũng rất chi tiết, mô tả rõ các nội dung và tiêu chí đánh giá môn học. Bên cạnh đó, học sinh được tìm hiểu một số nội dung chuyên sâu, tập trung trong một số chuyên đề học tập. Những chuyên đề này được thiết kế để cung cấp kiến thức chuyên sâu về kinh tế, pháp luật và kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tế, đồng thời đáp ứng sở thích, nhu cầu và hướng nghề nghiệp của học sinh.
Bài 3 “thị trường” là bài nằm trong chủ đề hai với dung lượng 3 tiết. Ở bài này yêu cầu cần đạt như sau:
Về kiến thức: Nêu được khái niệm thị trường, liệt kê các loại thị trường, các chức năng cơ bản của thị trường.
Về năng lực.
Năng lực điều chỉnh hành vi: Tự giác điều chỉnh việc tiêu dùng của bản thân cho phù hợp với các diễn biến của thị trường
Năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội: Tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh. Đấu tranh với các hành vi trái pháp luật kinh doanh
Về phẩm chất
Chăm chỉ: Thường xuyên tìm hiểu tình hình thị trường ở địa phương từ đó có những điều chỉnh thích hợp để phù hợp với bản thân.
Trách nhiệm: Thể hiện ở việc học sinh có ý thức tôn trọng các chủ thể kinh tế khi tham gia vào thị trường, có thái độ và ứng xử phù hợp
Như vậy, bài 3 “thị trường” có đủ một số các yếu tố khơi gợi định hướng phát triển nghề nghiệp của học sinh, như: năng lực, sở thích cá nhân, điều kiện hoàn cảnh và các tác động khách quan từ môi trường,… Từ kết quả nghiên cứu lý luận, xây dựng kế hoạch bài dạy, thiết kế giờ dạy và thực tiễn tổ chức dạy học bài học này theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh tại trường TH, THCS, THPT - Đại học Hà Tĩnh, tôi rút ra vài kết luận như sau:
Thứ nhất, Dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học trong dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cho học sinh THPT có tầm quan trọng đặc biệt. Tổ chức dạy học theo cách thức này vừa có tác dụng thúc đẩy sự phát triển trí tuệ cho người học, vừa kích thích tư duy của các em, nâng cao hứng thú học tập bộ môn. Sử dụng đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học tạo ra quá trình tương tác, thu hút, động viên người học tham gia hợp tác để nâng cao tính chủ thể và tự giác, tạo cơ hội cho các em thực hành vận dụng những kinh nghiệm, những tri thức đã học … không những đáp ứng mục tiêu bài học và còn góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Thứ hai, Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục 2018 ở bậc THPT, nội dung chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháo luật có nhiều nội dung mới. Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc dạy học theo hướng phát huy năng lực của người học, song trong quá trình tổ chức dạy học giáo viên vẫn còn nhiều lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp, thiết kế bài dạy, tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh chủ động trong hoạt động tìm kiếm tri thức.
Xuất phát từ thực tiễn giảng dạy và kinh nghiệm cá nhân trong quá trình giảng dạy, theo tôi, để dạy học môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật theo hướng phát huy năng lực của người học ở bài học này một cách hiệu quả nhất, giáo viên cần làm tốt các hoạt động trên các mặt sau:
Một là, về tổ chức lớp học: cần thiết phải bố trí vật dụng trong lớp học sao cho hài hoà theo số lượng học sinh trong lớp. Khoảng cách giữa các nhóm không quá chật. Chú ý đảm bảo ánh sáng phù hợp trong lớp học.
Hai là, về không khí làm việc trong lớp học
Học sinh phải đổi mới phương pháp học tập để thay đổi cách tư duy truyền thống. Vấn đề quan trọng không phải là học thuộc được kiến thức gì mà là việc vận dụng kiến thức đã học vào đời sống thực tiễn như thế nào, hình thành kỹ năng ứng xử và thái độ ra sao trong thực tiễn.
Người dạy cần xây dựng không khí làm việc vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng trong giờ học, học sinh cảm thấy tự tin, tạo mối quan hệ giữa các học sinh dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và đối xử công bằng, bình đẳng giữa các học sinh trong lớp. Tránh tuyệt đối việc luôn khen ngợi quá mức một vài học sinh nào đó hoặc phủ định sạch trơn một vài ý kiến nào đó. Luôn tạo ra các yêu cầu, cơ hội tốt nhất để mọi học sinh tham gia hoạt động, tránh tình trạng chỉ có các học sinh khá, giỏi trong lớp làm việc, thậm chí luôn làm thay công việc của cả nhóm.
Ba là, về hỗ trợ của người dạy đối với người học
* Hỗ trợ học sinh trong bước đầu bộc lộ quan điểm.
Người dạy cần giáo viên phải thường xuyên theo dõi, quan sát, giúp đỡ người học, đồng thời cần có sự hỗ trợ, động viên tích cực bước đầu để giờ học đạt hiệu quả. Vì là bước đầu, lần đầu tiên được hỏi đến/ trình bày quan điểm, nhận thức của bản thân đối với vấn đề gợi mở nên học sinh ngại nói, sợ sai và sợ bị chê cười. Do đó, một mặt giáo viên cần khuyến khích học sinh trình bày ý kiến của mình; mặt khác, chấp nhận và tôn trọng những quan điểm đ a chiều, thậm chí quan điểm sai lệch của học sinh khi trình bày biểu tượng ban đầu. Giáo viên cũng không nên vội vàng khen những ý kiến đúng vì sẽ làm hạn chế các ý kiến của các học sinh khác muốn t rình bày ý kiến khác biệt của mình.
* Hỗ trợ học sinh trong quá trình tổ chức hoạt động thảo luận cho học sinh.
Thảo luận được thực hiện ở nhiều thời điểm trong một tiết dạy. Có hai hình thức thảo luận: thảo luận nhóm nhỏ và thảo luận nhóm lớn. Giáo viên cần chú ý đến việc phân công nhóm học sinh phù hợp, chẳng hạn như só lượng học sinh nam - nữ, cấu trúc nhóm theo tổ/ theo sơ đồ chỗ ngồi, đặc điểm về tính cách,…. Trong quá trình thảo luận, tuyệt đối không được nhận xét ngay về tính đúng – sai ý kiến của nhóm này hay nhóm khác. Cho phép học sinh thảo luận tự do, tuy nhiên giáo viên cần hướng dẫn học sinh tới các kết luận khoa học chính xác của bài học. Thực hiện phương pháp này không thể nóng vội, cần thực hiện từng bước để tạo thói quen cho học sinh, lúc đó việc dạy học theo hướng phát triển năng lực của người học sẽ dễ dàng và đem lại hiệu quả cao.
Tóm lại, qua tổ chức dạy học bài 3, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật theo hướng triển phẩm chất, năng lực cho học sinh cho thấy, cách thức tổ chức dạy học theo hướng này vừa có tác dụng kích thích tư duy của các em vừa nâng cao hứng thú học tập bộ môn. Tuy nhiên thiết kế và tổ chức dạy học còn gặp nhiều khó khăn như: mất nhiều thời gian thiết kế, đòi hỏi học sinh phải hoạt động nhiều hơn, giờ học có nguy cơ bị chậm tiến độ,…. Từ thực tế dạy học của bản thân, chúng tôi thấy rằng, để khắc phục những hạn chế, khó khăn, để giờ học được tổ chức theo hướng này có thể được nhân rộng, bước đầu người dạy cần quan tâm đến nhân tố không khí lớp học, tổ chức lớp học và sự hỗ trợ kịp thời đối với học sinh.
Các tin khác
- Đổi mới phương pháp dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật theo định hướng phát triển năng lực - 16/12/2024 02:20
- Phẩm chất, năng lực và dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học- một vài kinh nghiệm trao đổi - 16/12/2024 02:19
- Thực trạng năng lực tự học của sinh viên Lào tại trường Đại học Hà Tĩnh - 07/10/2024 00:12
- Đổi mới phương pháp dạy và học theo định hướng phát triển năng lực là sự vận dụng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác Lê Nin trong quá trình dạy học - 16/08/2024 18:33
- GIÁO DỤC Ý THỨC CHÍNH TRỊ CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY - 12/08/2024 10:33