Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Vai trò của tuyên truyền và quần chúng trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn ở Trung Quốc

Tác giả: Phạm Huy Thông - Đăng ngày: .

Một trong những thành công của Trung Quốc trong công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới là xem trọng vai trò của quần chúng và công tác giáo dục tuyên truyền về môi trường.


Để có được sự thành công này, trước hết, trong các văn kiện trực thuộc các cơ quan ban ngành bảo vệ môi trường đều thể hiện sự động viên quần chúng, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn tham gia vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, và khẳng định đây là con đường không thể thiếu được trong công tác giải quyết vấn đề môi trường ở khu vực nông thôn.

 

Một năm sau khi chính thức đưa ra chiến lược xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, tháng 2/2006, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố “Quyết định về việc thực hiện quan điểm phát triển khoa học tăng cường bảo vệ môi trường”, yêu cầu rõ ràng “đối với việc quy hoạch phát triển lợi ích môi trường liên quan tới quần chúng, phải thông qua hình thức như họp, hội tọa, trưng cầu dân ý, nhấn mạnh sự giám sát của xã hội”.

 

Trong khi đó, Bộ bảo vệ môi trường Trung Quốc khẳng định, sự tham gia của quần chúng là con đường quan trọng trong việc giải quyết vấn đề môi trường ở khu vực nông thôn.

 

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngoài việc đề cao vai trò của quần chúng trong công tác bảo vệ môi trường, Trung Quốc còn rất chú trọng đến công tác giáo dục tuyên truyền về môi trường, nâng cao ý thức môi trường của quần chúng nhân dân, từ cấp lãnh đạo đến từng người dân.

 

+ Đối cán bộ lãnh đạo các cấp

 

Trung Quốc xác định nhân viên công vụ, nhân viên các đơn vị hành chính sự nghiệp, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp, là đối tượng trọng điểm của việc tuyên truyền giáo dục về môi trường. Thông qua việc giáo dục, cán bộ lãnh đạo sẽ hiểu được hiện trạng môi trường nông thôn ở trong và ngoài nước. Đồng thời việc giáo dục cũng giúp cán bộ lãnh đạo nắm rõ được qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn, hiểu rõ được mối quan hệ giữa quan niệm phát triển khoa học và bảo vệ môi trường ở nông thôn, từ đó cán bộ lãnh đạo sẽ chủ động giải quyết các vấn đề môi trường có liên quan mật thiết với lợi ích của quần chúng nhân dân.

 

Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo các cấp còn nhận được thông báo định kỳ về tình trạng môi trường, với những nội dung như: tình trạng và chiều hướng thay đổi của việc phá hoại môi trường, tình hình ô nhiễm nông nghiệp tại các khu vực nông thôn trên toàn quốc để cán bộ lãnh đạo các cấp hiểu được tính nghiêm trọng của việc phá hoại sinh thái và ô nhiễm môi trường, giúp họ nhận thức được tính cấp bách của công tác bảo vệ môi trường.

 

Ngoài ra, các trường chính trị, học viện hành chính và trường đào tạo cán bộ các cấp còn đưa việc giáo dục môi trường vào chương trình đào tạo. Trong khi đó, các cơ quan khác ở địa phương thường tổ chức các buổi toạ đàm về kiến thức bảo vệ môi trường, khai triển các chương trình đào tạo cho các nhân viên công vụ chuyên làm công tác có liên quan đến bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và năng lực chấp hành pháp luật môi trường của đội ngũ thực thi pháp luật môi trường.

 

+ Đối với quần chúng nhân dân

 

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngoài việc khuyến khích toàn thể quần chúng tham gia vào các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường, Trung Quốc còn xác định đối tượng trọng điểm của công tác giáo dục bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn là thành phần có năng lực lao động như: nông dân, cán bộ thôn, những hộ dân đã áp dụng những công nghệ tiên tiến trong sản xuất, hộ gia đình văn minh, hộ sản xuất thực phẩm sạch, hộ sản xuất chuyên nghiệp, hộ chuyên trồng lương thực. Các giải pháp cụ thể mà Trung Quốc đưa ra như sau:

 

Thứ nhất, lấy hiệu quả sản xuất kết hợp với công tác tuyên truyền sử dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao tố chất đạo đức về môi trường của nông dân để kích thích đại bộ phận nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

 

Thứ hai, thực hiện các công tác đào tạo như: “Công trình chứng nhận xanh”, “Phụ nữ làm giàu bằng khoa học kỹ thuật”, triển khai các chương trình bảo vệ môi trường nông thôn cho nông dân có tính mũi nhọn, có hiệu quả thiết thực, đơn giản, dễ hiểu.

 

Thứ ba, phát huy tối đa tác dụng của các đơn vị giáo dục như: trường truyền hình nông thôn, trường bồi dưỡng văn hoá kỹ thuật cho người trưởng thành ở nông thôn, các trường đại học và trung học có liên quan tới công tác bồi dưỡng bảo vệ môi trường ở nông thôn.

 

Thư tư, triển khai hoạt động “Tuyên truyền giáo dục về môi trường xuống nông thôn”, đẩy mạnh các đường lối, cách làm có hiệu quả như: tạo điều kiện cho các nhân viên có chuyên môn về khoa học kỹ thuật bảo vệ môi trường xuống làm việc ở khu vực nông thôn với khẩu hiệu “màu xanh làm hưng thịnh làng quê”, kịp thời giải đáp các thắc mắc của người dân về các vấn đề có liên quan đến bảo vệ môi trường.

 

Thứ năm, tiếp tục triển khai chương trình hành động “phổ cập khoa học bảo vệ môi trường ở nông thôn”, triển khai các hoạt động phổ cập khoa học bảo vệ môi trường ở các làng xã như: tuần lễ khoa học kỹ thuật, ngày phổ cập khoa học… in ấn sổ tay tuyên truyền phổ cập khoa học bảo vệ môi trường, tranh ảnh tuyên truyền tặng cho các địa phương, đồng thời dán các hình ảnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại những vị trí quan trọng nhất của Uỷ ban huyện, xã và các trường học trong thôn.

 

Thứ sáu, tận dụng các nội dung, hình ảnh và hình thức giải trí mà người dân ưa thích như phát thanh, truyền hình, phim, sách báo, tranh ảnh, sổ tay tuyên truyền, và các chương trình văn nghệ…, quảng bá đến người dân những kiến thức về bảo vệ môi trường, truyền đạt những thông tin làm giàu bằng các hình thức xanh, lấy việc tuyên truyền giáo dục kết hợp với xoá đói giảm nghèo, động viên đại bộ phận người dân tự giác tham gia bảo vệ môi trường.

 

Thứ bảy, tận dụng các chương trình tình nguyện mùa Hè của sinh viên, tổ chức cho các sinh viên đại học, đặc biệt là các sinh chuyên chuyên ngành về môi trường đóng vài trò làm cán bộ, người nông dân để triển khai các cuộc toạ đàm về việc phổ cập khoa học bảo vệ môi trường, tặng các tài liệu tuyên truyền, nâng cao trình độ hiểu biết của đại bộ phận người dân về bảo vệ môi trường.

Tài liệu tham khảo

[1] 陈志毅.对科学发展观和中国特色社会主义的理论新贡献——党的十八大报告的新思想、新观点、新论断[J]. 科学大众(科学教育), 2013

[2] 李国平; 刘生胜. 中国生态补偿40年:政策演进与理论逻辑[J].西安交通大学学报(社会科学版),2018.