Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Văn hóa Hồng Lam và văn hóa Thăng Long trong sự hình thành nên tư tưởng Nguyễn Du

Tác giả: NCS. Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Nguyễn Du tuy không sinh ra chính ngay trên quê hương Hà Tĩnh (Nguyễn Du sinh ở Thăng Long) nhưng vùng đất được mệnh danh “địa linh nhân kiệt” là một trong những nguồn suối tinh thần quan trọng hun đúc nên tư tưởng nhân văn của ông. Theo các nghiên cứu để lại, trong cuộc đời 55 năm của mình, Nguyễn Du có khoảng 10 năm (giai đoạn 1778 -1783 và 1796-1802) sống ở quê hương Hồng Lam với văn hóa là sự kết hợp giữa văn hóa vùng miền và văn hóa Việt Nam. Mảnh đất xứ Nghệ nằm ở vị trí trung tâm tính theo chiều dài của đất nước. Về văn hóa tinh thần, văn háo Hồng Lam nghiêng về Bắc Hà (trung tâm là Thăng Long- Hà Nội) với sự uyển chuyển, tinh tế, nho nhã.


Ở đây cũng là nơi biểu hiện của sự đa dạng và đặc sắc của các thể thức văn hóa dân gian như hát ví, hát giặm. Chính không gian văn hóa đó đã nuôi dưỡng tâm hồn, ngấm vào máu thịt nhà thơ. Dễ nhận thấy những sáng tác của ông chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa dân gian vùng miền rất đậm đặc. Việc Nguyễn Du lựa chọn thể thơ lục bát để viết nên kiệt tác Truyện Kiều dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để thấy được sự hấp thụ và chắt lọc những tinh túy của văn hóa dân gian ở ông như thế nào. Hay trong một số nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ giữa hát phường vải với các sáng tác của ông trong đó tiêu biểu là Truyện Kiều.

 

Khi nghiên cứu những ảnh hưởng của quê hương đến tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du chúng tôi tìm thấy nhiều gợi ý trong lý giải của nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng về “tính sông nước”[1] của văn hóa Việt Nam để hiểu hơn về đặc trưng của văn hóa Hồng Lam. Hay nói cách khác, đặc sắc trong văn hóa xứ Nghệ đó là sự kết hợp cương – nhu (được lý giải một phần dựa vào đặc trưng địa lý gồm núi và nước liền kề, đặc biệt vùng đất Nghi Xuân – quê hương Nguyễn Du). Và có lẽ, cái yếu tố cương ở đây chính là tinh thần chiến đấu kiên cường trước kẻ thù, là sự mạnh mẽ trước những thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên và không thỏa hiệp trước cái xấu, cái ác. Nhưng người xứ Nghệ cũng hết sức mềm mại, uyển chuyển trong tư duy như cái “nhu” của nước vậy.

 

Hay những địa danh như Giang Đình qua cái nhìn của Nguyễn Du càng trở nên là điểm hội tụ của văn hoá tôn vinh người tài một thời 

 

Trong yếu tố quê hương không thể không nhắc tới sự ảnh hưởng của dòng họ đối với nhân cách văn hóa và tư tưởng Nguyễn Du. Học thuyết di truyền sinh học kèm theo di truyền văn hóa cho chúng ta lý giải điều đó. Dòng họ Nguyên Tiên Điền không phải chỉ có rất nhiều người nổi danh chốn quan trường như câu ca dao người đời hay truyền tụng: “Bao giờ ngàn hống hết cây/ Sông Rum hết nước họ này hết quan” mà còn có nhiều nhân vật trứ tác nổi tiếng trên tất cả các lĩnh vực như nho, y, lý, số, kinh, sử, tử, tập, thơ phú..Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình quan lại, gia đình văn hóa với cha là Nguyễn Nhiềm thi đỗ tiến sỹ giữ nhiều trọng trách dưới thời Lê, mẹ là người phụ nữ Bắc Ninh vốn nhiều chất đa tình và nghệ sỹ của vùng văn hóa Kinh Bắc. Cha và mẹ Nguyễn Du đại diện cho hai vùng văn hóa khá tiêu biểu của Việt Nam (văn hóa Hồng Lam xứ Nghệ và văn hóa Kinh Bắc). Một gia đình “danh gia” như thế chắc chắn là yếu tố quan trọng hun đúc nên phẩm chất hơn người của Nguyễn Du.

 

Năm Ất Sửu 1805 Nguyễn Du được thăng Đông các Đại học sĩ, hàm ngũ phẩm vào nhận chức ở kinh đô Phú Xuân và tất nhiên ở chốn kinh đô Huế ông sẽ chịu ảnh hưởng của văn hóa Huế. Năm 1803 Nguyễn Du còn được triều đình nhà Nguyễn cử làm chánh sứ nhà Thanh, được trực tiếp trải nghiệm và chiêm nghiệm văn hóa Trung Hoa.

 

Bên cạnh đó, văn hóa Thăng Long có vai trò quan trọng nhất định trong việc hình thành nên con người nhân văn Tố Như cùng những tư tưởng của ông. Văn hóa Thăng Long là nơi hội tụ và kết tinh tinh hoa văn hóa mọi miền đất nước và là nơi sinh ra cái chất thanh lịch ngàn năm văn vật. Nguyễn Du sinh ra và lớn lên tại Thăng Long nên vai trò của không gian văn hóa Thăng Long đối với sự hình thành quan niệm về con người và xã hội cũng như sự hình thành quan điểm đạo đức thẩm mỹ của nhà thơ là rất lớn. Nguyễn Du chứng kiến lối sống của tầng lớp quí tộc, ông trải qua những biến cố chính trị lớn lao của thời đại, và ông cũng được tham dự những hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác nhau của con người đất Thăng Long, từ nghệ thuật trình diễn cung đình đến hát xướng trong gia đình. Thăng Long trong thời đại Nguyễn Du còn là nơi dồn tụ nhiều dòng sách vở và tác phẩm văn học Trung Quốc.

 

Dấu ấn văn hóa Thăng Long đối với Nguyễn Du ở giai đoạn quan trọng nhất trong hình thành nhân cách cũng như tâm hồn – giai đoạn bắt đầu trưởng thành.Có lẽ không quá khi cho rằng nều không có quãng thời gian sống và thấm nhiễm bầu khí quyển văn hóa đế đô ngàn năm lịch sử đó sẽ khó có một Nguyễn Du tài hoa và tinh tế trong thơ văn chữ Hán và Nôm. Cái dòng chảy lấp lánh của văn hóa đất kinh kỳ ấy không chỉ hình thành nên cốt cách con người mà về sau còn soi chiếu rất nhiều vào tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Du. Kinh đô Thăng Long cùng với Kinh Bắc và phố Hiến đã góp phần hình thành một xã hội thị dân là một môi trường kinh tế - văn hóa mang tính phi cổ truyền ở miền Bắc Việt Nam vào thế kỉ XVIII, đó chính là mảnh đất màu mỡ để cho những điều mới lạ được dịp nảy sinh, các loại hình tình cảm cá nhân dần có điều kiện để thể hiện.

 

Một tâm hồn nghệ sĩ như Nguyễn Du không có lý gì lại bỏ qua một vùng văn hóa với những điểm tương giao với mình như thế. Và cũng như một lẽ đương nhiên, môi trường văn hóa “phi cổ truyền” ấy đã tác động đến nhà thơ, làm nảy sinh những sắc thái tư tưởng, tình cảm “phi cổ truyền” thể hiện ra dưới những sáng tạo văn học. Những khát vọng tình yêu tự do vượt ra khỏi khuôn khổ lễ giáo phong kiến, những chiêm nghiệm “hiện sinh” về thân phận người, những suy tư trăn trở về người phụ nữ tài hoa là những biểu hiện của một tư tưởng lớn muốn thoát khỏi những khuôn sáo đã lạc hậu, lỗi thời của hệ tư tưởng Nho giáo.

 

Chính sự đan xen, hòa quyện và hội tụ của các văn hóa vùng miền trong nhân cách văn hóa Nguyễn Du là yếu tố quan trọng trong cốt lõi nghiệm sinh, trong cảm quan về cuộc đời và con người của ông. Nguyễn Du lĩnh hội yếu tố  văn hoá sơn thuỷ  của xứ Hồng Lam như là biểu trưng cho cái bền vững, có thể làm chỗ tựa, và văn hoá kinh kỳ Thăng Long - như là biểu trưng, chứng tích cho cái biến đổi, khôn lường, điều mà Nguyễn Du khôn nguôi day dứt, muốn tìm cách hóa giải là kiếp phù du của nhân gian, của phận người trước sóng gió dâu bể. Chính sự hội tụ và phức hợp các truyền thống văn hóa: Hồng Lam, Kinh Bắc, Thăng Long và Huế mà nhãn quan chính trị và văn hóa của Nguyễn Du rất rộng lớn, không chỉ dừng lại ở con người thi nhân mà Nguyễn Du vượt ra cái ranh giới của văn hóa vùng miền để vươn tới tầm quốc gia và nhân loại.

Tài liệu tham khảo

  1. Đại thi hào dân tộc danh nhân văn hóa Nguyễn Du (2015), NXB Đại học Quốc gia TPHCM
  2. Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm, NXB giáo dục, H.2002
  3. Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trongTruyện Kiều. Nxb. KHXH, H
  4. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn học

 

 

 

 

[1] Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn học, H.2003, tr33