Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Giữ gìn và phát huy giá trị nhân văn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Tác giả: TS. Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu khách theo lôgic phát triển của xã hội loài người. Cũng giống như các hiện tượng xã hội khác, nó không hề giản đơn; mà ngược lại toàn cầu hóa có tác động vừa tích cực vừa tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội ở các quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, sự tham gia vào quá trình toàn cầu hóa tạo cho chúng ta những thời cơ thuận lợi để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong đó có những vấn đề thuộc về văn hóa.

Trước những thách thức ngày càng lớn của quá trình toàn cầu hóa, nhiệm vụ kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc các giá trị của các nền văn hóa khác là một yêu cầu cấp thiết và là một nhiệm vụ quan trọng. Trong điều kiện tòan cầu hóa, nếu chúng ta biết kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống với các giá trị hiện đại trên cơ sở bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ lấy những gì là tinh hoa của dân tộc mình, loại trừ dần các yếu tố lỗi thời, tăng cường giao lưu với các dân tộc khác thì sẽ vượt qua được những thách thức, sẽ khơi dậy được vai trò động lực của các giá trị truyền thống cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng như của chính chúng ta đã chỉ ra rằng, không thể đánh đổi bằng mọi thứ để đổi lấy sự tăng trưởng về kinh tế mà ngược lại, để phát triển và khẳng định mình trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta phải chú trọng vấn đề giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong đó có việc phát huy giá trị nhân văn Việt Nam với những cách thức cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khẳng định một dân tộc Việt Nam với truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, yêu chuộng hòa bình, Toàn cầu hoá đang kích thích nhu cầu khẳng định bản sắc văn hóa và hệ giá trị của các dân tộc trên thế giới trước những va đập của môi trường văn hoá bên ngoài. Bởi lẽ, mỗi dân tộc, để tồn tại được đến ngày nay, đã phải đấu tranh không ngừng để bảo tồn “cái tôi” độc đáo của mình, đó là cái không lẫn vào đâu được. Gía trị nhân văn Việt Nam là cốt lõi tiềm tàng trong văn hóa dân tộc, tạo nên bản sắc và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng CSVN đã chỉ rõ: “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế xã hộiii, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hộiii. Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế”[Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2006, tr106]

Thứ hai, bổ sung thêm nội hàm mới cho những quan niệm truyền thống về phẩm chất nhân văn của dân tộc và con người Việt Nam. Lối sống nhân văn tình nghĩa, kiểu “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”… vốn là một trong những giá trị mang tính cộng đồng truyền thống của nền văn hóa làng xã Việt ngày nay cần được bổ sung và chú ý tới những giá trị cá nhân. Sự đề cao con người, giá trị con người cần đặt trong một hoàn cảnh mới phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã để làm thế nào dung hòa được giá trị tập thể và giá trị cá nhân, không nảy sinh cá nhân cực đoan, lệch lạc nhưng cũng không nên xem nhẹ sự phát triển toàn diện con người cá nhân.  Ngoài những phẩm chất cụ thể phù hợp với môi trường làm việc mới, con người Việt Nam cần tiếp tục phát huy những phẩm chất cần thiết để chung sống, đó là những phẩm chất rất “Người”: nhân đạo, nhân văn, sự khoan dung, nhân ái. Mặt khác, cần tiếp tục quan điểm phát triển bền vững hướng tới con người, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người, phát triển mọi năng lực sáng tạo của con người, cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo mọi điều kiện cho sự tham gia bình đẳng của tất cả các cá nhân trong xã hội. UNESCO luôn quan tậm tới tôn trọng quyền con người, nó được coi là giá trị văn hóa cao cả cần được tôn trọng và tuân thủ ở mọi nơi, mọi lúc trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là những quyền mang tính chất phổ quát, bẩm sinh vốn có của con người, không phân biệt quốc tịch, giới tính, nguồn gốc quốc gia hay màu da, tôn giáo.

Thứ ba, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển mọi mặt những tiềm năng của con người. Giữ gìn và phát huy giá trị nhân văn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là sự khẳng định vai trò và vị trí xứng đáng của nó trong đời sống xã hội hiện đại. Hiện nay vấn đề phát triển bền vững đang là một quan niệm phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. thay vì đồng nhất phát triển với tăng trưởng kinh tế, hay mới mở rộng đến môi trường tự nhiên, các quan niệm về phát triển đã chú ý nhiều hơn đến sự phát triển đồng bộ, hài hòa của tất cả các lĩnh vực, các yếu tố, các bộ phận cấu thành đời sống xã hội. Tiêu chí cơ bản để đánh giá sự phát triển bền vững là: tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Con người được đặt vào trung tâm của sự phát triển bền vững: phát triển do con người và vì con người trong mối quan hệ cộng sinh, hài hòa với tự nhiên. Tuy nhiên, chú trọng nhất của việc phát triển con người đó là phát triển những giá trị nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn của con người Việt Nam. Đó chính là những điều kiện tiên quyết để phát triển con người một cách toàn diện quyết định đến sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Để làm được điều đó, theo chúng tôi, chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện “Hệ giá trị Việt Nam” làm cơ sở đạo đức để xây dựng và phát triển con người. Một số nội dung quan trọng trong “Hệ giá trị Việt Nam”, theo chúng tôi đó là: 1. Các giá trị chung của nhân loại như tính người, tình người; 2. Các gía trị chung của thế giới, khu vực như hòa bình, an ninh, hữu nghị…3. Các giá trị dân tộc Việt Nam như tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, nhân nghĩa nhân ái, tình cảm gia đình, tinh thần cộng đồng; Ngoài ra chú trọng phát triển các quyền con người, quyền công dân, thái độ đối với cộng đồng, gia đình và chính bản thân…

Dân tộc Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước  luôn luôn có sự giao lưu và tiếp nhận các luồng tư tưởng và văn hóa của các dân tộc khác. Nhưng đó là quá trình giao lưu, tiếp nhận đầy sáng tạo trên cơ sở gìn giữ bản sắc Việt Nam, làm phong phú tư tưởng, trí tuệ, tình cảm Việt Nam. Thực tế trong lịch sử, nhiều giá trị nhân văn ngoại lai đã được chúng ta tiếp nhận, cải biến cho phù hợp và dần trở thành các giá trị nhân văn của dân tộc, trở thành văn hoá truyền thống; như lòng từ bi, hỉ xả, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo; tinh thần nhân nghĩa, trọng hiếu thảo trong gia đình, dòng tộc... của Nho giáo; lòng bác ái của đạo Thiên Chúa… Thời cận hiện đại, dân tộc ta cũng tiếp thu nhiều giá trị nhân văn quý báu, phù hợp với truyền thống dân tộc và xu hướng phát triển khách quan của thời đại như tự do, bình đẳng, bác ái… Đặc biệt, hiện nay chúng ta đã và đang tiếp thu, vận dụng sáng tạo và phát huy chủ nghĩa nhân văn triệt để và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, coi đó là nhân lõi của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Tất cả những giá trị mang tính nhân loại đó hòa quyện vào dòng chảy nhân văn dân tộc Việt Nam trở thành những hằng số vững bền trước những biến thiên của lịch sử. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc nhận xét rằng, người Việt tiếp thu nhanh và ứng phó linh hoạt với mọi tình huống, nhưng không đi đến tận cùng chân lý mà gạt bỏ những cấu trúc phức tạp, khó hiểu nhằm giải quyết những vấn đề có tình huống do vấn đề đặt ra. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta cần khắc phục những hạn chế của tư duy cũ, tạo lập một phương thức tư duy mới mang tính chuyên nghiệp. chuyên sâu trong mọi lĩnh vực kể cả giao lưu và tiếp biến văn hóa (trong đó có vấn đề giá trị nhân văn)

Trong một thế giới toàn cầu hoá,  phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay thì không có nền văn hoá hay văn minh nào lại lấy tính biệt lập làm cơ sở để tồn tại mà ngược lại để tồn tại và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá, về phương diện văn hoá, chúng ta cần tiếp cận các giá trị văn hoá của nhân loại để hiện đại hoá nền văn hoá dân tộc, nhưng cũng cần phải giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống để không đánh mất bản thân mình; hơn nữa, phải biến các giá trị đó thành sức mạnh nội sinh nâng đất nước ta lên tầm cao mới

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Chí Bền (2001) Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Chính Trị Quốc gia, tr150
  2. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, Hà Nội, tr106
  3. Friedman, Thomas L (2005), Chiếc xe Lexus và cây ôliu, Toàn cầu hóa là gì? NXB KHXH
  4. Friedman, Thomas L (2006), Thế giới phẳng. Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI, NXB Trẻ, tr26-27
  5. John Kleinen (2007), Đối mặt với tương lai, hồi sinh quá khứ - một nghiên cứu về sự biến đổi xã hội ở một làng Bắc Việt Nam, NXB Đà Nẵng, tr22
  6. Lê Hữu Nghĩa, Trần Khắc Viện (Đồng chủ biên) (2007) , Xu thế toàn cầu hóa trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, NXB Chính Trị Quốc Gia Hà Nội