Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH

Tác giả: Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH

ThS. Lê Thị Thái

 

Những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng đã và đang làm thay đổi hoàn toàn cách giáo dục truyền thống. Hiện nay, các trường đại học đã tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới mô hình, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhằm phát huy tối đa khả năng tư duy, tính sáng tạo, chủ động tích cực trong hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Trường Đại học Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài xu thế chung nói trên, việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng viên trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Trong bối cảnh này, việc đề xuất một số giải pháp để nâng cao năng số cho đội ngũ giảng viên trường Đại học Hà Tĩnh là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo và thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số của nhà trường.

Thứ nhất, Trường Đại học Hà Tĩnh cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu về năng lực số cho giảng viên.

Trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện nay, đối với trường Đại học Hà Tĩnh, năng lực số của giảng viên chính là chìa khoá để nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Vì vậy, nhà trường cần triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về năng lực số cho giảng viên. Cụ thể, cần tập trung vào nhóm năng lực vận hành thiết bị và phần mềm, nhận biết, lựa chọn các thiết bị phần cứng và ứng dụng phần mềm để nhận diện, xử lý dữ liệu, thông tin số trong giảng dạy và nghiên cứu. Giảng viên cần được hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Google Classroom, Moodle và các công cụ dạy học trực tuyến khác để hiểu rõ cách tổ chức, quản lý lớp học trực tuyến cũng như khai thác được triệt để hiệu quả các nền tảng dạy học này.

Ngoài công việc giảng dạy, trong quá trình nghiên cứu giảng viên cũng cần được trang bị năng lực khai thác thông tin và dữ liệu, giảng viên cần nhận diện được nhu cầu thông tin của các nhân, truy cập thông tin, đánh giá các nguồn tin và nội dung của chúng, lưu trữ, quản lý và tổ chức thông tin, sử dụng thông tin phù hợp với đạo đức và pháp luật.

Trong quá trình phát triển tài liệu học tập số như thiết kế bài giảng điện tử, video học tập, giảng viên cần được trang bị năng lực sáng tạo nội dung số, giảng viên cần hiểu rõ về hệ thống giấy phép và bản quyền liên quan đến quá trình sáng tạo nội dung số, giảng viên cần có kỹ năng tạo lập và biên tập nội dung số, chuyển đổi kết hợp thông tin và nội dung số vào vốn tri thức sẵn có.

Thứ hai, tạo động lực và khuyến khích giảng viên tự nâng cao năng lực số

Để nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ mới, bện cạnh việc tham gia các chương trình đào tạo, các buổi tập huấn chuyên đề thì mỗi giảng viên cần phải có ý thức tự tìm tòi học hỏi, tạo cơ hội cho bản thân trải nghiệm trực tiếp các công cụ và phương pháp mới. Nhà trường, Ban chủ nhiệm các khoa nên có kế hoạch tổ chức các buổi tập huấn nội bộ hoặc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn để giảng viên trong trường,  trong khoa có cơ hội trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau. Cùng với đó, mỗi giảng viên cũng có thể chủ động đăng ký tham gia các khoá học trực tuyến trên các nền tảng như Coursera, edX hay Udemy để nâng cao năng lực số của mình.

Chuyển đổi số ngành giáo dục đã tạo ra kỷ nguyên mới, thời đại mà người dạy và người học được trao quyền sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, vẫn có những giảng viên có tâm lý ngại tiếp xúc với công nghệ hiện đại, ngại đổi mới trong ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và nghiên cứu, điều đó làm cho công nghệ thông tin dù đã được đưa vào quá trình quản lý, dạy học vẫn chưa phát huy hiệu quả. Trường Đại học Hà Tĩnh cần tăng cường, phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng, quán triệt quan điểm chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành và quyết tâm thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của nhà trường và của khoa. Vì vậy, việc tự nâng cao năng lực số của mỗi giảng viên vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để thúc đẩy Trường phát triển trong bối cảnh mới.

Nhà trường cũng cần có các chính sách khen thưởng giành cho những giảng viên tích cực ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và đạt được những thành tựu xuất sắc trong việc nâng cao năng lực số. Bên cạnh đó, nhà trường cần thiết lập các tiêu chí và công cụ đánh giá năng lực số của giảng viên một cách thường xuyên. Các tiêu chí này có thể bao gồm khả năng sử dụng công nghệ, mức độ tích hợp công nghệ vào giảng dạy và hiệu quả của việc sử dụng công nghệ  trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy giảng viên không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ

Hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ công tin, đường truyền, dịch vụ Internet tại văn phòng làm việc, giảng đường là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nâng cao năng lực số của giảng viên. Hệ thống mạng, các thiết bị phục vụ giảng dạy cần được nâng cấp, cải tiến kịp thời. Nhà trường cần có đội ngũ hỗ trợ công nghệ chuyên nghiệp, đảm bảo rằng mọi vấn đề về kỹ thuật của giảng viên và sinh viên được giải quyết nhanh chóng.

Trường Đại học Hà Tĩnh đã tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và tổ chức giáo dục để được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng công nghệ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng viên. Nhà trường cần thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác để mở thêm cơ hội được cung cấp thiết bị, phần mềm hoặc dịch vụ đám mây, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tài nguyên công nghệ giúp giảng viên nâng cao kỹ năng số và cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất.

Hiện nay, cùng với chuyển đổi số trong lĩnh lực giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng, việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh là một tất yếu. Thông qua các giải pháp cụ thể như đào tạo chuyên sâu, khuyến khích tự học, đổi mới sáng tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, Nhà trường có thể thúc đẩy hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số, giúp giảng nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời có tâm thế vững vàng sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

[2]. Đỗ Văn Hùng (chủ biên), Trần Đức Hoà, Nguyễn Thị Kim Dung, Bùi Thanh Thuỷ, Nguyễn Thị Kim Lân, Đào Minh Quân, Đồng Đức Hùng, Bùi Thị Ánh Tuyêt, Bùi Thị Thanh Huyền, Trần Thị Thanh Vân, Trịnh Khánh Vân, Năng lực số Digital Literacy 2022 Khung năng lực số dành cho sinh viên a Digital Literacy Framework For Students DigiLit 1.0, (2022), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[3]. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[4]. https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/cam-nang-di-lam/nang-luc-so-la-gi-nang-luc-so-trong-giao-duc-la-gi-khung-nang-luc-so-cua-viet-nam-the-nao-vai-tro-cu-674.html - Truy cập ngày 14/02/2025.