Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy - học môn GDCD bậc trung học phổ thông bằng phương pháp thảo luận nhóm

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Đăng ngày: .

Việc dạy – học môn GDCD bậc THPT bằng phương pháp TLN đã được áp dụng từ lâu, vì đây là một phương pháp dạy học tích cực, luôn được các GV bộ môn đặc biệt quan tâm. Trong toàn bộ chương trình môn GDCD bậc THPT, các nội dung bài học cần được tiến hành thảo luận nhóm để giúp học sinh lĩnh hội kiến thức có hiệu quả nhất, nên nó chiếm một vị trí quan trọng. Thực tế, dạy học bằng PPTLN đối với môn GDCD bậc THPT trong thời gian qua đã được thực hiện trong các tiết học và đã đạt được kết quả nhất định.


Một số GV đã rút ra được kinh nghiệm bước đầu trong việc tổ chức và tiến hành thảo luận. Các giờ dạy học bằng PPTLN đã tạo nên sự hấp dẫn, sinh động và gây hứng thú đối với HS. Tuy nhiên chất lượng trong các giờ học thảo luận nhóm chưa được như chúng ta mong muốn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả dạy - học môn GDCD bậc THPT bằng PPTLN cả GV và HS cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau.

 

  1. Đổi mới phương thức hoạt động dạy học môn GDCD bậc THPT bằng phương pháp thảo luận nhóm

Trước khi dạy học bằng phương pháp TLN ngoài việc cần phải chuẩn bị kỹ càng về mặt nội dung, thì việc điều khiển thảo luận là một công việc khó khăn, bởi lẽ GV có thể bắt gặp những tình huống khiến mình rơi vào thế bị động. Vì vậy, khi hướng dẫn và tổ chức thảo luận GV phải chuẩn bị kỹ càng về nội dung, kỹ năng, kỹ xảo để mang lại hiệu quả cao trong giờ thảo luận, phải chú ý phát hiện ra các vấn đề trao đổi chưa thỏa đáng của HS, chú ý chuẩn bị đề cương thảo luận một cách chu đáo.

 

Để giờ học thảo luận được tiến hành theo yêu cầu đặt ra và mang lại hiệu quả cao, đòi hỏi GV, vào đầu các giờ dạy phải chú ý đến khâu tổ chức, điểm danh để nắm rõ những HS có mặt, kiểm tra tình hình chuẩn bị của HS. Giờ học bằng thảo luận sẽ không mang lại hiệu quả, nếu HS không có sự chuẩn bị kỹ càng.

 

Sau đó cần nhắc lại mục đích, yêu cầu dưới dạng nêu vấn đề nhằm gây sự hứng thú, tạo tâm thế và định hướng cho HS. GV cần nêu rõ tiến trình thảo luận, lần lượt chỉ định người tham gia báo cáo và những người nhận xét, cần xây dựng một bầu không khí thoải mái, cởi mở, sáng tạo tập thể và tôn trọng lẫn nhau. Trong quá trình thảo luận, tập trung vào những vấn đề cơ bản, tranh luận về bản chất của vấn đề, hướng vào mục đích, yêu cầu của giờ thảo luận, có thể sử dụng một hệ thống các câu hỏi mang tính chất gợi ý, câu hỏi lật ngược vấn đề, câu hỏi khơi sâu vấn đề. Cần khuyến khích HS đặt câu hỏi chất vấn và nêu lên những điều mình chưa rõ.

Nhận xét, tổng kết, đánh giá. Trong quá trình thảo luận sẽ có rất nhiều ý kiến, nội dung, quan điểm được đưa ra. Vì vậy, kết thúc thời gian thảo luận, GV phải nhận xét, tổng kết, đánh giá chính xác kết quả thảo luận về tất cả các mặt: tinh thần thái độ, ý thức học tập cũng như nội dung bài học.  Trong qúa trình tổng kết GV phải tập hợp các ý kiến đã phát biểu, nhấn mạnh một cách rõ ràng và ngắn gọn bản chất vấn đề đã thảo luận, đi sâu vào một số vấn đề còn chưa được giải thích đầy đủ. Cần biểu dương, khuyến khích những HS hoạt động tích cực và có những ý kiến phát biểu hay trong giờ thảo luận.

 

  1. Đổi mới phương thức học tập môn GDCD bậc THPT bằng phương pháp thảo luận nhóm

Để học tập môn học GDCD một cách tích cực, chủ động, HS phải xây dựng cho mình một thái độ, động cơ học tập đúng đắn. Khi đã có thái độ, động cơ học tập đúng đắn, HS sẽ yêu thích môn học, tham gia tích cực vào quá trình học tập và tìm được phương pháp học tập phù hợp để đạt được kết quả cao. Động cơ học tập đúng đắn còn giúp HS vượt qua khó khăn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ học tập, luôn tôn trọng kỷ luật có ý thức tổ chức cao trong quá trình học tập. Bên cạnh việc xác định được động cơ học tập đúng đắn thì trong quá trình học tập, HS còn phải tuân theo kỷ luật học tập mà GV đưa ra. Bởi vì ngay từ đầu không phải HS nào cũng xác định được động cơ học tập đúng đắn, mà chỉ khi buộc các em phải thực hiện theo những quy tắc và kỷ luật học tập từ GV đưa ra và các em sẽ dần hình thành thói quen tham gia quá trình học tập một cách tự giác.

 

Tính tổ chức, kỷ luật trong học tập được thể hiện ở ý thức chuyên cần, tính tích cực và chuẩn bị bài ở nhà một cách đầy đủ, để làm được những việc này, đòi hỏi HS phải xây dựng cho mình một kế hoạch học tập khoa học, đó là việc sắp xếp, bố trí thời gian biểu học tập khoa học hợp lý cùng với nó là hăng say phát biểu ý kiến xây dựng bài và hoàn thành những nhiệm vụ học tập mà GV giao cho, bên cạnh đó còn thực hiện thái độ nghiêm túc và trung thực trong thi cử.

 

Xây dựng phương pháp học tập phù hợp, có hiệu quả. Để đạt được kết quả cao trong học tập, HS phải luôn có phương pháp học tập, điều này thể hiện ở thái độ học tập một cách nghiêm túc, có tư tưởng cầu tiến, có mục đích học tập rõ ràng, luôn phát huy tính tích cực, tự giác, độc lập trong suy nghĩ. Phải thay đổi phương pháp học, từ thói quen học tập thụ động, sang phương pháp học tập chủ động, tích cực, rèn luyện cho mình có thói quen tự học, tự nghiên cứu, tìm kiếm các thông tin qua internet, phương tiện thông tin đại chúng, các tài liệu tham khảo…nhằm chiếm lĩnh tri thức trong quá trình học tập và phải hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, rèn luyện phong thái tự tin, thoải mái khi trao đổi, tranh luận, trình bày ý kiến trước tập thể; khắc phục tâm lý tự ty, e ngại, nhút nhát, rụt rè.vv

 

Tóm lại: Thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, tạo cho các em sự hứng thú và hình thành thói quen làm việc chủ động; tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong tập thể; rèn luyện kỹ năng, phương pháp học tập khoa học. Tuy nhiên đây là một phương pháp dạy học khó, bởi do tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan. Vì vậy, để vận dụng thành công phương pháp này trong dạy – học môn GDCD bậc THPT, GV cần phải đổi mới cách thức dạy và HS cũng phải đổi mới cách thức học, có như vậy thì PPTLN mới phát huy được tác dụng, đồng thời hiệu quả dạy - học môn GDCD mới được nâng cao./.

 

Tài liệu tham khảo

          [1] Vũ Đình Bảy (chủ biên) Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh, Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường trung học phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010.

  [2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục công dân, Sách giáo viên lớp 10,11,12, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.

[3]. Nguyễn Văn Cường, Đổi mới phương pháp dạy học trung học phổ thông, Tài liệu dành cho dự án phát triển giáo dục THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, 2006.

          [4].  Ngô Thi Thu Dung (2011), “Mô hinh tô chức học theo nhóm trong giờ học lên lớp”, Tạp chí giáo dục (3), tr. 21 - 22.

          [5]. Đinh Văn Đức- Dương Thuý Nga (đồng chủ biên) Nguyễn Như Hải - Đào Thị Hà- Vũ Thị Thanh Nga, Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông, Nxb Đại học sư phạm, 2009.

         [6]. Lê Đức Ngọc, Giáo dục đại học phương pháp dạy và học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.

         [7] Phan Trọng Ngọ, Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường,  NXB Đại học Sư phạm, 2005.