Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một vài trao đổi về việc lựa chọn phương pháp tình huống trong tiết dạy học môn giáo dục công dân lớp 12 ở Trường Trung học phổ thông

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hà - Đăng ngày: .

 

Phương pháp tình huống là phương pháp dạy học tích cực, luôn được các nhà giáo dục quan tâm nghiên cứu. Tình huống trong dạy học đưa ra có thể diễn giải theo cách nhìn của người học và mở ra nhiều hướng giải quyết khác nhau, hạn chế được những cách thuyết giảng dài dòng, nặng tính lý thuyết. Có thể nói, với giáo viên, đây là dạy cách học, với học sinh là học cách học. Tuy nhiên, để dạy học phần Công dân với Pháp luật thành công thì việc cấu trúc hoá các tình huống pháp luật vào mục đích dạy học là một yêu cầu đòi hỏi người giáo viên không chỉ về kỹ thuật thiết kế tình huống mà còn là một nghệ thuật.


 

  1. TÌNH HUỐNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TÌNH HUỐNG TRONG DẠY HỌC

Tình huống là một hoàn cảnh thực tế, trong đó chứa đựng những mâu thuẫn, xung đột. Người ta phải đưa ra một quyết định trên cơ sở cân nhắc các phương án khác nhau. Tình huống cũng có thể là một hoàn cảnh gắn với câu chuyện có cốt chuyện, nhân vật, có chứa đựng xung đột, có tính phức hợp được viết ra để minh chứng một vấn đề hay một số vấn đề của cuộc sống thực tế. “Ở mức độ phổ quát nhất thì mọi tình huống đều có giá trị dạy học, bởi lẽ bất kỳ tình huống nào cũng đều hàm chứa những tri thức về các sự kiện, tri thức về kỹ năng và phương pháp giải quyết chúng” [7; Tr11]. Tuy nhiên, dạy học không phải là một quá trình tự phát mà là một hoạt động có chủ đích, vì vậy một tình huống thông thường chưa phải là một tình huống dạy học, nó chỉ trở thành tình huống dạy học khi được giáo viên sử dụng với dụng ý tạo ra môi trường làm việc cho học sinh và khi học sinh giải quyết tình huống sẽ đạt được mục tiêu dạy học.

 

Tình huống trong dạy học là những tình huống thực hoặc mô phỏng theo tình huống thực, được cấu trúc hoá nhằm mục đích nâng cao tính thực tiễn của môn học. Sau khi đã được cung cấp các kiến thức lý thuyết, một tình huống đưa ra sẽ giúp HS có cách nhìn sâu hơn và thực tiễn hơn về vấn đề lý thuyết đã được học. Thông qua việc xử lý tình huống, học sinh sẽ có điều kiện để vận dụng linh hoạt các kiến thức lý thuyết.

 

Khác với việc tiếp thu lý thuyết một cách thụ động, khi được giao các tình huống, học sinh sẽ được tiếp cận với các tình huống pháp luật dựa trên các sự kiện đã từng xảy ra hoặc có thể xảy ra trong thực tiễn. Tính sinh động và tình tiết rất “thực” của các hành vi pháp luật khơi dậy hứng thú của học sinh trong học tập. Đây chính là ưu điểm nổi trội của phương pháp này so với các phương pháp truyền thống.

 

Để giải quyết tình huống, học sinh được yêu cầu làm việc theo nhóm. Quá trình này HS cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kiến thức, thông tin, hình thành các kỹ năng như trình bày, tranh luận, bảo vệ ý kiến của mình, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến người khác. Đây là phương pháp không những giúp người học nâng cao tính tích cực, chủ động, khả năng sáng tạo mà còn nâng cao kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng trình bày và bảo vệ ý kiến của mình trước đám đông.

 

Đây cũng là một kênh quan trọng giúp giáo viên thu thập kinh nghiệm từ phía học sinh. Trong vai trò là người dẫn dắt, giáo vên cũng sẽ tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm và những cách nhìn, giải pháp mới từ phía học sinh để làm phong phú thêm bài giảng.

 

  1. XÂY DỰNG TÌNH HUỐNG TRONG DẠY HỌC PHẦN “CÔNG DÂN VỚI PHÁP LUẬT”, CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 12

Đặc thù riêng của bộ môn Giáo dục công dân lớp 12 là kiến thức cơ bản về pháp luật. Kiến thức bộ môn khá là trừu tượng, tương đối khó, gây cảm giác khô khan, nặng về lý thuyết cho nên dễ gây cảm giác khô khan, nhàm chán. Để các tiết dạy về pháp luật được khắc sâu, sinh động, phát huy tối đa khả năng chiếm lĩnh tri thức của học sinh, giải pháp hữu hiệu nhất là đưa vào giờ học nhiều tình huống pháp luật đặt ra trong thực tiễn, cụ thể hóa tình huống dạy học để thu hút sự quan tâm chú ý của các em. Vì vậy, một mặt, giáo viên cần khéo léo lựa chọn, xây dựng các tình huống pháp luật minh họa trong tiết dạy để các em biết gắn kết bài học với thực tiễn, mặt khác, linh hoạt tổ chức, hướng dẫn cho các em giải quyết, thể hiện thử các tình huống.

 

Việc lựa chọn và xây dựng tình huống khi dạy pháp luật là việc làm không phải là mới. Thực tế giáo viên dạy Giáo dục công dân thường có trong tay khá nhiều tài liệu về các dạng tình huống. Tuy nhiên, để tình huống có sức hút đối với học sinh, lôi cuốn được sự tham gia nhiệt tình của các em đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng từ phía giáo viên.

 

Thứ nhất, về mặt yêu cầu sư phạm, nội dung tình huống cần sát bài dạy, có tính thời sự và cần liên hệ với kinh nghiệm hiện tại cũng như tình huống rộng hơn, với nghề nghiệp trong tương lai của người học. Chẳng hạn khi dạy bài Pháp luật và đời sống giaos viên đã đưa ra một tình huống như thế này:

 

 Nguyễn thị Lý ( 40 tuổi) quê ở Thái Bình, lợi dụng sự cả tin của hai mẹ con M đã lừa M bán cho một người đàn ông Trung Quốc( gấp ba lần tuổi M) làm nghề phụ hồ. Suốt 17 năm làm việc quần quật M đã tìm cách trốn được về Việt Nam. Tội ác của Nguyễn thị Lý đã được đưa ra ánh sáng. Đây là tình huống được xây dựng từ một vụ án buôn người qua Trung Quốc đã xẩy ra tại tỉnh Thái Nguyên mà kẻ vi phạm đã phải đền tội sau 17 năm che dấu. Qua tình huống nêu trên giáo viên xác định mục đích cuối cùng tình huống là gì? Học sinh sẽ thấy được vai trò quan trọng của pháp luật trong quản lí xã hội. Những hành vi vi phạm pháp luật, xem thường tính mạng và sức khỏe của người khác sẽ bị trừng trị thích đáng. Tình huống trên giúp học sinh những hiểu biết pháp luật để biết tự bảo vệ mình và người khác khi quyền lợi bị xâm phạm. Mặt khác, tình huống này còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc trang bị những kỹ năng cấn thiết cho học sinh trước những thủ đoạn tinh vi, phức tạp của tội phạm buôn bán người.

 

Thứ hai, trong một bài giảng, tình huống được lựa chọn có thể dài hoặc ngắn, tuỳ từng nội dung vấn đề song tình huống cần chứa đựng mâu thuẫn, vấn đề và có thể liên quan đến nhiều phương diện. Tình huống phải phải được được kết thúc bằng một loạt các vấn đề hoặc câu hỏi như: Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Bạn sẽ làm gì nếu bạn là nhân vật A? Nhân vật B?... Vấn đề này có thể được ngăn chặn như thế nào? Lúc này cần phải làm gì để hạn chế tính trầm trọng của vấn đề? Vấn đề đặt ra khi trả lời các câu hỏi này phải được dùng để khái quát một tình huống rộng hơn, khái quát hơn.

 

Như tình huống nêu ở trên ki kết thúc tình huống vấn đề giáo viên đặt ra ở đây là:

  1. Em hãy chỉ ra những hành vi vi phạm pháp luật trong tình huống trên? Hành vi đó theo em phải xử lí như thế nào?
  2. Khi quyền lời của bản thân bị xâm phạm hoặc phát hiện tội phạm em sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình và của người khác?

Thứ ba, học sinh luôn mong muốn được độc lập suy nghĩ, vì vậy, sau mỗi bài tập tình huống giáo viên phải đưa ra các câu hỏi. Việc đưa ra câu hỏi yêu cầu học sinh buộc phải tư duy, các em có thể có phương án giải quyết vấn đề khác nhau, chính điều đó đã tạo ra một giờ học sôi động hơn. Qua tình huống và trả lời câu hỏi học sinh rút ra các bài học cho bản thân, trang bị thêm cho mình những hiểu biết rất cần thiết để đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi giáo viên phải đầu tư thiết kế hệ thống câu hỏi chặt chẽ, có tính bao quát, theo mức độ từ dễ đến khó, từ vận dụng lý thuyết đến vận dụng thực tiễn. Với những câu hỏi đòi hỏi tư duy cao mới tạo được sự hào hứng tìm tòi cho người học. Để đáp ứng được với yêu cầu này thiết nghĩ người giáo viên phải kiên trì tìm tòi, chịu khó học hỏi, nghiên cứu kiến thức các chuyên ngành Luật.

Thứ tư,  một tình huống đưa ra cần có nhiều cách giải quyết khác nhau. Trong việc giải quyết các tình huống thực tiễn, không phải bao giờ cũng chỉ có giải pháp duy nhất đúng. Vì vậy khi xây dựng tình đòi hỏi giáo viên phải tính đến các khả năng có thể diễn giải theo cách nhìn của người học để mở nhiều hướng giải quyết.  Giáo viên cũng luôn lưu ý, tình huống đưa ra phải vừa sức với học sinh và có thể giải quyết trong điều kiện cụ thể.

Thứ năm, để xây dựng một tình huống hay, có sức hút, giáo viên đặc biệt phải quan tâm đến tâm lý lửa tuổi của các em. Xác định được sở thích của các em, các em cần gì qua tiết học? Nếu tình huống chỉ được lựa chọn một cách hời hợt, dựa trên ý chí chủ quan của giáo viên thì phương pháp đó đã thất bại ngay từ khâu lựa chọn tình huống. Một yếu tố cần lưu tâm chính là việc phải đa dạng hoá hình thức đưa ra các tình huống. Đôi khi, nghiên cứu tình huống có thể được thực hiện trên video hay một băng cát-xét, hình ảnh sự kiện mà không phải ở dạng chữ viết hoặc lời nói.

Thứ sáu, tình huống có thể diễn giải theo cách nhìn của người học và để mở nhiều hướng giải quyết. Một trong những nhược điểm cơ bản của phương pháp này là vẫn còn nặng về lý thuyết, học sinh chủ yếu phải sử dụng tư duy trừu tượng để giải quyết tình huống đặt ra. Điều này chỉ đáp ứng được ở một số ít học sinh có khả năng tư duy năng động, tư duy trừu tượng cao. Nếu phương pháp tình huống trong dạy học chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu tình huống sẽ tạo nên sức nặng trong quá trình tư duy của học sinh và vẫn chỉ dừng lại ở tư duy về lý luận. Để những kiến thức nặng về tư duy trừu tượng, nặng về lý thuyết  ấy được dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn, có khả năng phát huy cao độ sự sáng tạo, năng động của học sinh, theo quan sát của chúng tôi cần thiết tình huống phải được thể hiện thông qua phương pháp đóng vai. Nói theo cách khác đóng vai là con đường ngắn nhất tạo nên sự thông hiểu, khả năng ghi nhớ.

 

Phương pháp đóng vai là cách thức tổ chức cho học sinh thực hành, “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định, hoặc một tình huống của thực tế cuộc sống bằng cách diễn xuất một cách ngẫu hứng mà không cần kịch bản hoặc luyện tập trước nhằm giải quyết tình huống này trên cơ sở óc tưởng tượng và ý nghĩ sáng tạo của các em. Đóng vai phải có tình huống để thể hiện lại nội dung tình huống đặt ra, vì vậy, ngay khi sử dụng phương pháp đóng vai vào dạy học là đồng thời đã phải sử dụng phương pháp tình huống. “Diễn” là phần dẫn, vừa để thể hiện khả năng linh hoạt, sáng tạo của học sinh vừa thu hút sự chú ý, tạo sức hấp dẫn cho giờ học. Lúc này kiến thức pháp luật khô cứng được “mềm hóa”, được thể hiện sâu sắc hơn;  khơi dậy hứng thú của học sinh, khích thích sự sang tạo của các em. Phần chính là phần thảo luận sau phần diễn, qua tranh luận, phân tích các em thông hiểu và ghi nhớ những gì các em nắm được qua hoạt động chủ động, tích cực của mình. Đóng vai không chỉ làm cho kiến thức bộ môn được “hiện thực hóa”  mà còn giúp các em hình thành kỹ năng ứng xử, bày tỏ thái độ trong thực tế thực hiện pháp luật, bồi dưỡng khả năng hợp tác tập thể, đem lại niềm vui trong từng tiết học.

 

KẾT LUẬN

 

Phương pháp dạy học là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình dạy học. Giờ học có hứng thú hay không, kết quả bài giảng đạt hiệu quả như thế nào, phần lớn phụ thuộc nhiều vào phương pháp dạy học. Để các tiết dạy về pháp luật được khắc sâu, sinh động, phát huy tối đa khả năng chiếm lĩnh tri thức của học sinh đòi hỏi giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp. Lựa chọn, sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống có rất nhiều ưu điểm trong dạy học phần “công dân với pháp luật” song cũng có những nhược điểm nhất định, như: mất nhiều thời gian so với phương pháp thuyết giảng, đòi hỏi sự tham gia chủ động và yêu thích của HS, đòi hỏi khả năng thích ứng cao tư phía học sinh,....  Tôi tin rằng, với các kỹ thuật thiết kế cơ bản, với sự đầu tư kỹ lưỡng của giáo viên và một chút nghệ thuật trong lựa chọn và thiết kế tình huống chắc chắn sẽ phát huy cao độ ưu điểm của phương pháp tình huống trong giờ học, giờ học sẽ rất sinh động, hấp dẫn, tạo nên sự thông hiểu, khả năng ghi nhớ, các kiến thức pháp luật được khắc sâu, học sinh phát huy tối đa khả năng chiếm lĩnh tri thức của bản thân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Nguyễn Đăng Bằng (Chủ biên) (2001), Góp phần dạy tốt, học tốt môn GDCD ở trường THPT, Nxb Giáo dục.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Sách giáo khoa GDCD 12, Nxb Giáo dục.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Sách giáo viên GDCD 12, Nxb Giáo dục.
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 12 THPT, Nxb Giáo dục.
  5. Giáo dục học Đại cương (2003), Tài liệu bồi dưỡng dùng cho các lớp giáo dục học Đại học và nghiệp vụ sư phạm Đại học, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Hà (2018), Vận dụng kết hợp phương pháp đóng vai với phương pháp tình huống trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12 tại thành phố Hà Tĩnh, đề tài nghiên cứu khoa học
  7. Đặng Vũ Hoạt (2002), Giáo trình xêmina về Lý luận dạy học, Trường Đại học Sư phạm Hà nội (Lưu hành nội bộ).