Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Phát triển kĩ năng sống cho sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh thông qua phong trào tình nguyện

Tác giả: ThS. Trần Nguyên Hào - Đăng ngày: .

 

Giáo dục kĩ năng sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt với sinh viên (SV), tầng lớp tri thức trẻ của đất nước là một yêu cầu cấp thiết. Ở Trường Đại học Hà Tĩnh, việc đào tạo và bồi dưỡng kĩ năng sống cho SV là nội dung nằm trong chương trình đào tạo. Thực tế hiện nay cho thấy,“vốn sống” của nhiều SV hiện còn rất hạn chế, chưa hình thành ý thức, thói quen, chưa biết vận dụng những kĩ năng đã được trang bị vào cuộc sống. Do đó, việc rèn cho SV những kĩ năng mềm, kĩ năng sống thông qua các phong trào tình nguyện do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội SV Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức hoặc do các đội nhóm hoạt động độc lập triển khai là một việc làm có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Bài viết này đề cập một số giải pháp phát triển kĩ năng sống cho SV Trường Đại học Hà Tĩnh thông qua các phong trào hoạt động tình nguyện.


  1. Khái niệm Kĩ năng sống và hoạt động tình nguyện

1.1. Kĩ năng sống: Thuật ngữ “Kĩ năng sống” được WinthropAdkins sử dụng lần đầu tiên trong một chương trình đào tạo nghề thực hiện trong những năm 1960 Với tên gọi “The Adins Life SkillsProgramme: EmployabilitySkillsSeries”.

- Tổ chức văn hóa - khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) cho rằng: “Kĩ năng sống là năng lực cá nhân giúp cho việc thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày” [1; tr 4].

- Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng: Kĩ năng sống là cách tiếp cận giúp thay đổi hoặc hình thành hành vi mới. Cách tiếp cận này lưu ý đến sự cân bằng về tiếp thu kiến thức, hình thành thái độ và kĩ năng.

- Tổ chức y tế thế giới (WHO) coi “kĩ năng sống là những kĩ năng tâm lí xã hội và kĩ năng giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hàng ngày để tương tác một cách hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả các vấn đề, các tình huống của cuộc sống”. [2; tr 98].

- Dưới góc độ tâm lí học, “kĩ năng sống là một tổ hợp phức tạp của hệ thống các kĩ năng nói lên năng lực sống của con người, giúp con người thực hiện công việc và tham gia vào cuộc sống hàng ngày có kết quả, trong điều kiện xác định của cuộc sống. [4; tr 3].

1.2. Hoạt động tình nguyện. Theo Giáo sư Hoàng Phê  (trong Từ điển Tiếng Việt, 1998), “tình nguyện” là: “Tự mình nhận lấy trách nhiệm để làm (thường là việc khó, đòi hỏi phải hi sinh, không phải do bắt buộc)”

SV tình nguyện: Là những SV có tấm lòng nhân ái, có ý thức tự giác và có tinh thần tình nguyện tham gia hoạt động trong đội hình thanh niên, SV tình nguyện, sẵn sàng làm các công việc khó khăn, gian khổ mà không nhất thiết phải có quyền lợi vật chất cho bản thân.

Phong trào SV tình nguyện: là khái niệm chỉ hoạt động xã hội có sức lôi cuốn đông đảo SV tham gia với tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm cao, không quản ngại khó khăn gian khổ vì lợi ích của xã hội, cộng đồng, thông qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lí thưởng cho SV và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh

  1. Vai trò, ý nghĩa của hoạt động tình nguyện với việc phát triển kĩ năng sống cho SV Trường Đại học Hà Tĩnh hiện nay

Từ thực tiễn hoạt động của phong trào SV tình nguyện ở Trường Đại học Hà Tĩnh và qua theo dõi, đánh giá những SV thường xuyên tham gia các phong trào hoạt động tình nguyện do Đoàn Thanh niên, Hội SV và một số tổ chức chính trị xã hội khác trong nhà trường phát động, cũng như các hoạt động tình nguyện độc lập đã giúp cho SV hình thành những kĩ năng cần thiết cho hoạt động phong trào Đoàn, Hội, quá trình giao tiếp, cho nghề nghiệp tương lai. Đặc biệt, phong trào SV tình nguyện vì cộng đồng, tiêu biểu là SV với “chiến dịch Mùa hè xanh” đã giúp SV hiểu và biết chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, có trách nhiệm hơn đối với mọi người xung quanh, với cộng đồng và rút ra được những giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. Qua hoạt động thực tiễn, giúp SV từng bước hình thành những kĩ năng sống cần thiết như: kĩ năng giao tiếp, giúp đỡ và chia sẻ với cộng đồng những khó khăn hoạn nạn; thuyết trình trước đám đông; làm việc nhóm; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả…

SV Đặng Đình Hoàng - K6A Giáo dục chính trị - Trường Đại học Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi là SV năm thứ 3, là Ủy viên Ban chấp Đoàn Trường và đã từng tham gia nhiều phong trào tình nguyện do nhà trường, địa phương tổ chức từ khi học trung học phổ thông (THPT) đến nay. Qua mỗi lần tình nguyện tôi lại được học thêm những bài học bổ ích, đặc biệt là kĩ năng hoạt động Đoàn, Hội, kĩ năng giao tiếp… và nhiều kĩ năng khác mà tôi học được khi tham gia phong trào tình nguyện”. Bạn Trương Thúy Hà - K7 Tiểu học - Trường Đại học Hà Tĩnh chia sẻ về những khó khăn và lợi ích khi tham gia phong trào tình nguyện: “Lần đầu tiên mình tham gia vào phong tình nguyện tại trường rất bỡ ngỡ, rụt rè và sợ giao tiếp với người lạ nhưng sau nhiều đợt tham gia phong trào tình nguyện mình cảm thấy tự tin, con người năng động hơn và dám thể hiện mình trước đám đông”.

Để có kết luận một cách khách quan vấn đề này, tháng 3/2016, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 245 SV (năm thứ 2-3) của Trường Đại học Hà Tĩnh với các câu hỏi như: Bạn đã từng tham gia phong trào tình nguyện nào tại Trường Đại học Hà Tĩnh chưa ? Theo bạn, việc tham gia phong trào tình nguyện có ý nghĩa như thế nào đối với SV? Theo bạn, việc tham gia phong trào tình nguyện có cần thiết đối với việc phát triển kĩ năng sống của bản thân không ? Sau khi tham gia một số phong trào tình nguyện, bạn thấy mình hoặc những bạn SV khác có những thay đổi theo hướng nào? Bạn nghĩ, bản thân tích lũy và phát triển cho mình những kĩ năng nào sau đây sau khi tham gia phong trào tình nguyện ? Theo bạn, trong thời gian gian tới, SV cần có thái độ và việc làm như thế nào trong việc tham gia phong trào tình nguyện để phát triển kĩ năng sống cho bản thân ?

 

Từ việc xử lý kết quả khảo sát, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

- SV Trường Đại học Hà Tĩnh nhận thức được ý nghĩa của việc tham gia các hoạt động tình nguyện, thể hiện được lí tưởng cách mạng, ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, SV đối với cộng đồng cũng như ý thức được việc rèn luyện, phát triển kĩ năng sống cho bản thân. Đa số SV sau khi tham gia phong trào tình nguyện đều khẳng định có sự tích lũy được nhiều kĩ năng sống cần thiết như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng tổ chức công việc hiệu quả…

- Sau khi tham gia phong trào tình nguyện có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động theo chiều hướng tích cực. SV tích cực hơn trong việc tham gia những chương trình, phong trào tình nguyện do nhà trương hoặc các tổ chức chính trị xã hội phái động.

  1. Một số giải pháp phát triển kĩ năng sống cho SV Trường Đại học Hà Tĩnh thông qua phong trào tình nguyện

3.1.Với Đoàn Thanh niên - Hội SV:

3.1.1. Cần phát huy hơn nữa tính tích cực, chủ động trong việc triển khai các phong trào hoạt động tình nguyện. Đoàn Thanh niên - Hội SV nhà trường là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, SV, cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc chủ động tham mưu với cấp trên để tổ chức những phong trào tình nguyện, những chương trình có ích cho đoàn viên, SV và cho cộng đồng. Hội SV cần thành lập và củng cố các tổ chức cơ sở; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức; tạo môi trường để SV có điều kiện rèn luyện phát huy những phẩm chất, năng lực của bản thân. Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức cơ sở Đoàn Thanh niên, Hội SV chưa thực sự năng động, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động tập thể, phong trào tình nguyện, do đó, một số hoạt động chưa thu hút được đông đảo đoàn viên, SV tham gia; tổ chức Hội SV nhà trường chưa thành lập được các Liên chi hội, Chi hội để thu hút SV tham gia trở thành hội viên trong tổ chức của Hội. Khi triển khai các phong trào tình nguyện, vẫn còn hiện tượng chồng chéo giữa các Câu lạc bộ, đội, nhóm thuộc Hội SV với các chi đoàn, liên chi đoàn hay các khoa. Đây là vấn đề cần khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

 

3.1.2. Tổ chức phong trào tình nguyện đảm bảo đúng kế hoạch, thời gian, sáng tạo về nội dung và hình thức, thiết thực về mục tiêu. Trong những năm qua mặc dù có nhiều phong trào tình nguyện được tổ chức nhưng chưa thật sự thu hút được đông đảo SV tham gia một cách tự nguyện. Nội dung và hình thức tổ chức  chưa có sự đổi mới, sáng tạo, SV chưa hứng thú trong quá trình tham gia. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới nội dung, hình thức, quy trình tổ chức các chương trình tình nguyện, Đoàn thanh niên, Hội SV và các cá nhân phụ trách phong trào cần tổ chức các hoạt động sao cho có ý nghĩa hơn, thiết thực hơn và tạo được nhiều cơ hội cho SV thể hiện bản thân và phát triển các kĩ năng cần thiết. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, SV tham gia phong trào tình nguyện, Đoàn thanh niên, Hội SV cần tổ chức những chương trình gắn với thực tiễn có tính lan tỏa, có chiều sâu; phải làm sao cho đoàn viên, SV thấy được lợi ích của mình khi tham gia hoạt động. Cần tạo điều kiện cho đoàn viên, SV tham gia và hoạt động phong trào tình nguyện không chỉ tại Trường mà còn ngoài xã hội.

 

3.1.3. Tích cực, linh hoạt vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ để huy động nguồn kinh phí cho các chương trình, phong trào tình nguyện. Kinh phí hoạt động là một trong những vấn đề quan trọng để hỗ trợ đoàn viên, SV tham gia phong trào tình nguyện có hiệu quả. Do đó, Đoàn thanh niên, Hội SV cần căn cứ vào tính chất, đặc điểm của các phong trào; tình hình thực tiễn của địa phương nơi nhà trường đóng; phạm vi tổ chức hoạt động tình nguyện để vận động các cá nhân, tổ chức chính trị, KT-XH ủng hộ kinh phí giúp SV thực hiện tốt hơn các hoạt động như: (tặng quà cho bà con vùng bị lũ lụt thiên tai; tặng quần áo, sách vở cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa; hiến máu nhân đạo; chiến dịch mùa hè xanh…). Để làm tốt nội dung này, trước hết, lãnh đạo các tổ chức (Bí thư, Phó bí thư Đoàn thanh niên các cấp; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội SV) cần nêu cao tính tiên phong gương mẫu tự nguyện đóng góp kinh phí ủng hộ quỹ, đồng thời tích cực tuyên truyền về ý nghĩa của các hoạt động tình nguyện để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng.

 

3.1.4. Xây dựng mạng lưới liên kết với các Trường THPT, cao đẳng, đại học và các tổ chức thiện nguyện hướng tới cộng đồng. Để hoạt động tình nguyện của SV nhà trường được duy trì thường xuyên, liên tục ngày càng có chiều sâu và đạt hiệu quả, có sức lan tỏa tới mọi tầng lớp xã hội. Trong quá trình hoạt động cần liên kết với các trường THPT, cao đẳng, đại học, mà trước hết là các trường trong cùng địa phương, khu vực, cũng như các tổ chức thiện nguyện hướng tới sự chia sẻ vì cộng đồng. Để làm tốt công tác này, lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội SV phải luôn năng động, linh hoạt tổ chức cho SV giao lưu, tiếp xúc với các đơn vị, các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm để vừa học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, vừa liên kết để phát huy sức mạnh của quần chúng, cộng đồng.

 

3.2. Với Ban giám hiệu nhà trường, các khoa, phòng ban chức năng. Cần quan tâm, chỉ đạo, có cơ chế động viên kịp thời các phong trào tình nguyện (các hoạt động trong và ngoài nhà trường). Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nhà trường tham gia phong trào tình nguyện, đặc biệt là với đoàn viên, SV  như: sắp xếp thời gian hợp lí; hỗ trợ kinh phí; tuyên dương, khen thưởng kịp thời cho những đoàn viên, SV có thành tích xuất sắc trong hoạt động; coi đây là một tiêu chí để đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của SV; Những SV có thành tích đặc biệt xuất sắc đề nghị cấp trên khen thưởng, đề nghị cơ sở Đảng xem xét, giúp đỡ để kết nạp vào Đảng.

3.3. Với SV:

 

3.3.1. Nâng cao hơn nữa ý thức tự giác, tính tích cực khi tham gia phong trào. Để làm tốt vấn đề này, trước hết những SV là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, ủy viên Ban chấp hành Hội SV, Ban chấp hành Liên chi hội SV phải thể hiện sự tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc tổ chức, thực hiện, phải luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người xung quanh, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tổ chức, vận động mọi người thực hiện kế hoạch sao cho đúng đối tượng, phù hợp, có hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện, phải biết lắng nghe những phản hồi tích cực từ quần chúng. Cần thể hiện tính dân chủ, công khai trong mọi chủ trương, hành động để nhận được sự đồng thuận của đa số SV. Phải biết đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng lên trên hết, biết tạo ra sức mạnh của tập thể.

 

3.3.2. Là những tuyên truyền viên tích cực và hiệu quả trong tổ chức, đội nhóm tình nguyện. Trong quá trình hoạt động, mỗi SV không chỉ thể hiện vai trò   tích cực, tự giác thường xuyên tham gia các phong trào tình nguyện, mà còn phải là một tuyên truyền viên tích cực, có sức ảnh hưởng lớn để lôi cuốn những người khác cùng tham gia. Để làm tốt việc này, cần liên kết chặt chẽ với câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện và những SV khác để tạo nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất. Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Cần học tập và nhân rộng các tấm gương tiêu biểu như bạn Võ Văn Toàn, K6 GDCT. SV Toàn không chỉ gương mẫu đi đầu tham gia hầu hết các phong trào tình nguyện do Đoàn, Hội tổ chức mà đã thành lập đội tình nguyện độc lập mang tên Đội Tình nguyện Màu áo tôi yêu vào tháng 9/2015, lúc đầu có 12 thành viên; đến tháng 2/2016 đã có hơn 90 thành viên chính thức tham gia, nhiều phong trào tình nguyện trong và ngoài nhà trường như Mùa xuân yêu thương, Cuộc thi gói bánh chưng, Hội thi nhảy dân vũ, tham gia sinh hoạt Dự án Một bức tranh - nhiều hi vọng tại thành phố Đà Nẵng hay Hội thi Trò chơi dân gian tại xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh… đã được tổ chức. Qua mỗi phong trào tình nguyện, giúp SV hình thành và phát triển kĩ năng sống, kĩ năng mềm cơ bản, đồng thời các bạn yêu thích, tham gia phong trào tình nguyện ngày càng nhiều hơn.

 

Việc phát triển kĩ năng sống, kĩ năng mềm cho SV nói chung, SV Trường Đại học Hà Tĩnh nói riêng là một việc làm có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.  Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu này, đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa nhiều tổ chức, đơn vị trong nhà trường. Theo chúng tôi, nếu thực hiện tố các giải pháp nêu trên sẽ góp phần phát triển kĩ năng sống, kĩ năng mềm cho SV, đưa phong trào SV tình nguyện của nhà trường phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và ngày càng thực hiện tốt hơn mục tiêu chung, SV cùng nhau chia sẻ vì cộng đồng.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Thanh Bình (2012).  Tài liệu tập huấn kĩ năng sống. Cục nhà giáo - Bộ GD-ĐT.

[2]. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thơ. Một số vấn đề về giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học vùng nông thôn (2015). Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hà Tĩnh, số 5 (4-2015).

[3] Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kì 2013-2015 của Hội sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh.

[4] Nguyễn Quang Uẩn (2008). Khái niệm kỹ năng sống xét dưới góc độ tâm lí học. Tạp chí Tâm lí học số 6 (6 - 2008).