Quyền được bảo vệ sự riêng tư theo quy định của pháp luật Việt Nam
Quyền được bảo vệ sự riêng tư là một trong những quyền dân sự - chính trị quan trọng của cá nhân đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác. Trên cơ sở đó, pháp luật quốc tế tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân và cho phép mọi cá nhân đều có quyền được pháp luật bảo vệ để chống lại mọi sự can thiệp tùy tiện, bất hợp pháp vào đời sống riêng tư của mình. Pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận và bảo hộ quyền riêng tư của cá nhân trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật quốc gia.
- Sự ghi nhận quyền được bảo vệ sự riêng tư trong các văn bản quy phạm pháp luật quốc tế
Trước hết cần là rõ khái niệm “sự riêng tư” là gì để xác định phạm vi mà một cá nhân được bảo hộ. Trong các Bình luận chung cũng như các văn bản liên quan, Ủy ban nhân quyền vẫn chưa giải thích ý nghĩa của sự riêng tư. Tuy nhiên, hiểu một cách phổ quát thì sự riêng tư chính là không gian mà một cá nhân muốn được tự chủ, tránh mọi sự can thiệp ngoài ý chí của cá nhân một cách vô lý, trái pháp luật.
Tại Điều 17, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966 đã quy định: “Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín hoặc bị xâm hại bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ để chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”. Trên cơ sơ quy định này, có thể xác định phạm vi quyên riêng tư của cá nhân bao gồm các khía cạnh: gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự và uy tín.
Trước đó, tại Điều 12, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 (UDHR) cũng đã quy định: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân; mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy.”
Như vậy, có thể thấy, cả hai văn bản trên đều thừa nhận mỗi cá nhân được bảo vệ những điều riêng tư trong đời sống cá nhân, gia đình, nơi ở và thư tín. Những bí mật đời tư được bảo vệ theo hai văn bản luật quốc tế trên là những bí mật về tư liệu cá nhân và gia đình, nơi ở và nơi làm việc, thông tin liên lạc; được bảo vệ trước mọi hành vi can thiệp như hành vi thu thập, phát tán thông tin; theo dõi, xâm phạm nơi ở, nơi làm việc; xâm nhập, kiểm soát, giả mạo trong thông tin liên lạc.
- Quyền được bảo vệ sự riêng tư theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam
Quyền được bảo vệ sự riêng tư là một trong những quyền năng quan trọng của mỗi cá nhân và đã được quy định tại nhiều văn bản QPPL ở các cấp độ khác nhau. Trước hết, ở mức độ cao nhất, tại Điều 21, Hiến pháp năm 2013 đã quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
- Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”
So với Hiến pháp năm 1992 thì quy định tại Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng hơn nhiều về phạm vi quyền bí mật đời tư của cá nhân. Bởi, tại Hiến pháp 1992, Điều 73 chỉ quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín. Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013, ngoài việc thừa nhận các quyền nói trên thì còn quy định thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân cũng được pháp luật bảo vệ. Dù có sự khác nhau về phạm vi, tuy nhiên, quy định tại các bản Hiến pháp này chính là nền tảng để xây dựng và thực thi pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tiêu dùng.
Trên quan điểm mở rộng phạm vi quyền bí mật riêng tư của cá nhân tại Hiến pháp năm 2013 thì Bộ luật Dân sự năm 2015, tại Điều 38 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã nêu rõ:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý…
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật…
- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
So với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005 thì quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 mở rộng hơn rất nhiều về phạm vi các thông tin liên quan đến đời sống mà cá nhân được bảo hộ. Đặc biệt là quy định về trách nhiệm của các bên trong quan hệ hợp đồng, không được phép tiết lộ những thông tin của bên kia khi chưa được sự cho phép. Tuy hai văn bản này có những quy định khác nhau về phạm vi của quyền riêng tư cá nhân, tuy nhiên, về cơ bản đây đều là cơ sở để ghi nhận quyền được bảo đảm bí mật các thông tin cá nhân khi tham gia vào các giao dịch dân sự.
Bên cạnh quy định tại các bản Hiến pháp và Bộ luật Dân sự thì quyền bí mật về thông tin của cá nhân nói chung cũng đã được ghi nhận tại các văn bản QPPL chuyên ngành như Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (Điều 46 quy định về bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử); Luật Công nghệ thông tin năm 2006 (Điều 21 quy định về thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng và Điều 22 quy định lưu trữ, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng); Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (Điều 14 quy định về bảo mật thông tin); Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (Điều 16 quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng)… Có thể thấy những QPPL tại các đạo luật kể đến trên đây ở những phạm vi khác nhau đã quy định về nhiều góc độ của quyền bí mật riêng tư của cá nhân. Những quy định này chính là cơ sở nền tảng để ghi nhận và thực thi quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân trong từng lĩnh vực cụ thể.
Quyền về đời sống riêng tư là một lĩnh vực mang tính thực tiễn cao, những quy định về quyền về đời sống riêng tư được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thực tế của xã hội, chứ không phải là thông qua quy định khung trong các đạo luật gốc như Hiến pháp, Luật Dân sự. Hiện nay, Nhà nước ta cũng đã rất tích cực chủ động để sửa đổi các bộ luật hiện hành, bổ sung các quy định về riêng tư, ban hành những quy định mới bảo vệ sự riêng tư trong các lĩnh vực như thông tin mạng, báo chí truyền thông, tố tụng hình sự. Có thể thấy Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân rộng hơn Bộ luật dân sự. Tuy Việt Nam đã là thành viên của hai điều ước quốc tế này nhưng việc nội luật hóa các quyền về bí mật đời tư vẫn chưa đầy đủ, đòi hỏi các nhà làm luật tiếp tục hoàn thiện sao cho phù hợp với thực tế .
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Quốc hội Việt Nam (2013), Hiến pháp năm
- Quốc hội Việt Nam (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 (UDHR)
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966
Tin mới
- Phát huy khả năng tự học của Sinh viên Lào Khoa Chính trị - Luật Trường Đại học Hà Tĩnh - 11/01/2021 01:16
- Phát triển đảng viên trẻ chi bộ nông thôn ở Hà Tĩnh - 13/12/2020 12:59
- Một số yếu tố cơ bản của nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn trong dạy học môn Giáo dục công dân ở Trường trung học phổ thông - 13/12/2020 12:01
- Phát triển kĩ năng sống cho sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh thông qua phong trào tình nguyện - 13/12/2020 11:58
- Một vài trao đổi về việc lựa chọn phương pháp tình huống trong tiết dạy học môn giáo dục công dân lớp 12 ở Trường Trung học phổ thông - 15/11/2020 09:54
Các tin khác
- Văn hóa Hồng Lam và văn hóa Thăng Long trong sự hình thành nên tư tưởng Nguyễn Du - 16/10/2020 02:20
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy - học môn GDCD bậc trung học phổ thông bằng phương pháp thảo luận nhóm - 06/09/2020 07:55
- Khoa học xã hội nhân văn Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế - 09/07/2020 03:45
- Trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng - 15/06/2020 14:56
- Gương đạo đức cách mạng cố tổng bí thư Trần Phú với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên - 15/05/2020 14:59