Toàn cầu hóa và những vấn đề đặt ra đối với chủ nghĩa nhân văn
Toàn cầu hóa không phải là hiện tượng mới mẻ, mà trái lại, nó đã có mầm móng xuất hiện ở thế kỷ XV và diễn ra mạnh mẽ hơn vào cuối thế kỷ XIX. Xuất hiện từ những năm 1960, “toàn cầu hóa” đã trở thành một trong những khái niệm được sử dụng rộng rãi nhất trong các ngành khoa học xã hội đương đại và đồng thời là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong giới học thuật. Toàn cầu hóa có thể hiểu là một hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động nhằm thúc đẩy gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới cũng như sự hội nhập kinh tế và chính trị ở cấp độ toàn cầu. Tôn Ngũ Viên trong cuốn sách Toàn cầu hóa, nghịch lý của thế giới tư bản chủ nghĩa quan niệm, toàn cầu hóa là quá trình hình thành một chỉnh thể thống nhất, toàn thế giới. Đó là sự ảnh hưởng, tác động, xâm nhập lẫn nhau xuyên biên giới trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trước hết và chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế và vận hành trong một trật tự hệ thống toàn cầu. Tác giả Lê Hữu Nghĩa cũng cho rằng, toàn cầu hóa, xét về bản chất là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới [Lê Hữu Nghĩa, Trần Khắc Viện, 2007]
Gía trị nhân văn rộng lớn hơn là chủ nghĩa nhân văn bao gồm tất cả những cố gắng, tư tưởng và trào lưu lấy con người làm trung tâm để thực hiện các mục tiêu vì sự tự do giải phóng con người, đề cao vẻ đẹp của con người, xuất phát từ sự tôn trọng giá trị con người, tin vào sức sáng tạo vô biên của con người, yêu con người và cuộc sống trần gian, chủ trương phát triển mọi khả năng con người và xã hội. Xét về thực chất, nhân văn là một giá trị mang tính phổ quát, là sự tổng hợp các yếu tố Chân-Thiện-Mỹ; nó thuộc về bản chất người và là biểu hiện của khát vọng vươn lên và hoàn thiện không ngừng của chính con người. Vì thế, chủ nghĩa nhân văn bao giờ cũng là lý tưởng và mục tiêu mà loài người hằng vươn tới và ngày càng thể hiện sức sống mãnh liệt của mình trong suốt tiến trình đi lên của xã hội loài người, là một trong những tiêu chí quan trọng thể hiện sự phát triển và tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, cùng với sự tiến bộ của xã hội thì các lĩnh vực hoạt động xã hội đều hướng tới các giá trị vì con người và gắn với các giá trị nhân văn.
Vậy toàn cầu hóa tác động như thế nào đến hệ giá trị nhân văn của nhân loại? Câu trả lời không chỉ đơn giản nằm ở việc chúng ta nhận thức sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến các hệ giá trị trong đó có giá trị nhân văn mà còn là việc chúng ta hiểu được bản chất của quá trình toàn cầu hóa trong đó có toàn cầu hóa về văn hóa.
Trước hết chúng ta cần khẳng định rằng toàn cầu hóa tạo thêm những tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển của nhân loại. Thực tế đã chứng minh quá trình trình toàn cầu hóa đang tác động hết sức mạnh mẽ đến các quốc gia dân tộc, đến đời sống của cả cộng đồng nhân loại, cũng như đến đời sống của từng con người trên thế giới. Toàn cầu hóa góp phần thúc đẩy nền kinh tế của các nước có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của con người được nâng cao. Những vấn đề về phát triển con người đặc biệt là quyền con người được chú trọng hơn bao giờ hết.
Bên cạnh việc tạo ra một khối lượng vật chất khổng lồ cho xã hội thì nó còn thúc đẩy sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, vũ khí…, và ngược lại, những yếu tố đó có tác động đến xã hội. Sự thao túng của một bộ phận cá nhân hoặc quốc gia nhằm điều khiển để phục vụ quyền lợi cho thiểu số thì nó sẽ tạo ra một loạt các hệ quả cho sự phát triển: đó là sự suy thoái về đạo đức con người, tính Người của con người ngày càng mờ nhạt trong xã hội hiện nay. Sự quá coi trọng những lợi thế về kinh tế và sự tuyệt đối hóa các giá trị kinh tế, coi đó là cốt lõi của các giá trị hiện đại mà xem nhẹ các giá trị nhân văn của con người hay sự tuyệt đối hóa sức mạnh trí tuệ, sức mạnh của khoa học công nghệ đang làm phá vỡ sự hài hòa của môi trường xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách con người. Những vấn đề bức xúc về sự phát triển nhân cách con người trong đó những phẩm chất như nhân ái, nhân văn càng được đề cao hơn bao giờ hết là minh chứng cho tình trạng xã hội xuống dốc về các giá trị nhân văn của nhân loại.
Xét từ góc độ này, ngay cả những khiếm khuyết của toàn cầu hóa tuy có hại nhưng nó đã góp phần vào việc đặt ra hoặc cảnh báo những vấn đề lớn của xã hội hiện tại và tương lai đồng thời mở ra các giải pháp khắc phục những hạn chế đó. Sự phát triển bền vững kinh tế xã hội với sự tôn vinh con người là nguồn lực chính, với mối quan tâm đặc biệt tới môi trường sinh thái cũng xuất phát từ tiến trình toàn cầu hóa. Quan niệm về phát triển bền vững trong đó lấy sự phát triển của con người làm mục tiêu của sự phát triển cũng xuất phát từ những thực tế của sự phát triển không tương thích trong xã hội loài người những thế kỷ vừa qua. Bên cạnh đó, những vấn đề mang tính toàn cầu mà ở phạm vi mỗi quốc gia không thể kiểm soát được như môi trường sinh thái, bệnh tật, an ninh, nhân quyền…thì chính quá trình toàn cầu hóa sẽ giúp các quốc gia tạo được sức mạnh tập thể có thể giải quyết thỏa đáng.
Chính sự phát triển không tương thích giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần của loài người đang đặt ra yêu cầu cần phục hưng chủ nghĩa nhân văn một cách mạnh mẽ và có tính chất đổi mới. Đó không đơn giản là thuộc về lĩnh vực đạo đức mà hơn hết nó còn là một triết lý về con người và nhân loại dù ở Phương Đông hay Phương Tây, nó hướng tới một chủ nghĩa nhân văn nhân loại lấy tiêu chí giải phóng và phát triển con người làm mục tiêu của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, muốn đạt được điều này cần xây dựng và hoàn thiện các giá trị nhân văn của từng dân tộc nhằm làm phong phú và bổ sung thêm triết lý nhân văn của nhân loại.
Như vậy, quá trình toàn cầu hóa đã và đang đem lại những cơ hội cho sự hội nhập và phát triển của các dân tộc trên thế giới, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển của thế giới nói chung trong đó có các quốc gia, dân tộc nhất là đối với các nước đang phát triển. Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của xã hội, đặt ra cho các dân tộc phải chủ động để thích ứng với sự thay đổi phức tạp của thế giới, làm thế nào để hạn chế những tác động tiêu cực đồng thời phát huy thế mạnh của dân tộc mình, nắm bắt thời cơ toàn cầu hóa đem lại tạo động lực cho sự phát triển.
Tin mới
- THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM DƯỚI ÁNH SÁNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC - 17/08/2021 15:00
- Hội đồng Khoa học Khoa Chính trị - Luật họp xét đề tài Sáng kiến kinh nghiệm năm học 2020 - 2021 - 03/07/2021 08:00
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên - 15/05/2021 14:57
- Thực trạng thực thi pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay - 10/03/2021 07:59
- Kinh nghiệm về pháp luật đầu tư của một số nước trên thế giới - 20/02/2021 02:22
Các tin khác
- Phát triển bền vững - quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam - 12/01/2021 07:36
- Lịch sử quan hệ Việt Nam và Lào - cơ sở để bồi dưỡng truyền thống hữu nghị Việt – Lào cho Sinh viên Trường Đại Học Hà Tĩnh - 12/01/2021 07:34
- Phân hoá chất lượng giáo dục ở Hà Tĩnh hiện nay - 11/01/2021 01:18
- Phát huy khả năng tự học của Sinh viên Lào Khoa Chính trị - Luật Trường Đại học Hà Tĩnh - 11/01/2021 01:16
- Phát triển đảng viên trẻ chi bộ nông thôn ở Hà Tĩnh - 13/12/2020 12:59