Nhận diện hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân trong bối cảnh hội nhập
Trong số những quyền nhân thân được Bộ luật dân sự hiện hành quy định thì quyền bí mật đời tư là một trong những quyền quan trọng, gắn liền với cuộc sống của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay, khi mà mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội được thiết lập một cách ngày càng phức tạp và đa dạng về phương thức cũng như nội dung thì quyền bí mật đời tư của cá nhân rất dễ đứng trước những nguy cơ bị xâm phạm.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, tình trạng đánh cắp, trục lợi từ thông tin đời tư của cá nhân diễn ra rất phổ biến. Những thông tin bị lạm dụng, khai thác có thể là thông tin trên chứng minh nhân dân, căn cước công dân, địa chỉ nhà riêng, địa chỉ nơi công tác, số điện thoại hay thậm chí, nguy hại hơn đó có thể là những thông tin được chứa đựng dưới dạng hình ảnh hay âm thanh nhạy cảm… Những thông tin đó được chủ sở hữu bảo mật, nhưng có thể vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan mà nó đã bị phát tán ra bên ngoài, đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của cá nhân. Việc bộc lộ thông tin cá nhân có thể do chính bản thân cá nhân đó thiếu cẩn trọng, chủ quan khi đã cung cấp thông tin trên các ứng dụng mạng xã hội hay cũng có thể là do bị các đối tượng xấu cố tình chiếm đoạt ngoài ý muốn.
- Khái niệm quyền bí mật đời tư của cá nhân
Bí mật đời tư của cá nhân được hiểu là bất kỳ thông tin nào liên quan đến đời sống riêng tư của một người mà họ đang bảo mật, không muốn bộc lộ công khai. Bí mật đời tư gắn liền với thông tin cá nhân, khi những thông tin đó được cá nhân áp dụng các biện pháp cần thiết để không bị tiết lộ rộng rãi; đó có thể là những thông tin liên quan đến tên tuổi, nghề nghiệp, thư tín, địa chỉ nơi cư trú hay là những thông tin liên quan đến thân nhân, gia đình…
- Những hành vi xâm phạm đến quyền bí mật đời tư của cá nhân
Có thể phân loại hành vi xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân thành các nhóm sau đây:
Thứ nhất, các hành vi tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân khi chưa được cá nhân đồng ý.
Tiếp cận thông tin được hiểu là hành vi cố tình phá vỡ những biện pháp bảo mật của chủ thể sở hữu nhằm nắm bắt thông tin. Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển, việc dùng các kỹ thuật công nghệ để chiếm đoạt thông tin cá nhân cũng trở nên dễ dàng hơn. Các đối tượng có thể tiếp cận và thu thập thông tin cá nhân của người khác bằng nhiều các thức đa dạng và tinh vi như đánh cắp tài khoản cá nhân của người dùng mạng xã hội, cài đặt ứng dụng nghe lén hay theo dõi hành trình di chuyển, phát tán virus hay các mã độc để nhằm chiếm đoạt thông tin….
Tất cả mọi sự tiếp cận thông tin mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu thì dù chưa sử dụng hay công khai thông tin cũng đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, các hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân khi chưa được cá nhân đồng ý.
Những thông tin mà cá nhân không bộc lộ công khai, rộng rãi hoàn toàn có thể coi là những thông tin thuộc về bí mật về đời tư. Cùng một dạng thông tin nhưng tùy thuộc vào từng trường hợp mà cá nhân có thể tiết lộ với người này nhưng không tiết lộ với người khác. Ví dụ, khi mua hàng hóa trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể cung cấp thông tin cho người bán hàng nhưng không đồng nghĩa với việc họ có mong muốn chia sẻ công khai rộng rãi những thông tin đó cho tất cả mọi người. Việc tiết lộ thông tin của người khác khi chưa nhận được sự đồng ý của họ hoàn toàn có thể gây ra những phiền toái hay nghiêm trọng hơn là có thể làm phát sinh những thiệt hại về vật chất hay tinh thần cho chủ sở hữu thông tin.
Hành vi tiết lộ hay mua bán những thông tin cá nhân của người khác là hành vi trái pháp luật. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, một số đối tượng có thể lợi dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các hành vi nhằm trục lợi bất chính như lấy thông tin trên chứng minh nhân dân, căn cước công dân để lập tài khoản ngân hàng nhằm vay nợ… hay để nhằm công kích, hạ bệ, xúc phạm danh dự của người khác.
Hành vi tiết lộ và sử dụng bất hợp pháp thông tin cá nhân của người khác là hành vi xâm hại nghiêm trọng đến quyền bí mật đời tư, đây được xác định là hành vi trái pháp luật và có thể bị áp dụng chế tài xử lý hình sự.
- Hệ quả của hành vi xâm phạm bí mật đời tư
Bí mật đời tư là những thông tin mà cá nhân không mong muốn nhiều người biết đến bởi có thể khi bộc lộ công khai họ sẽ có khả năng gặp phải những phiền toái không đáng có hay thậm chí là bị thiệt hại về tinh thần, vật chất. Hành vi xâm hại đến bí mật đời tư của cá nhân có thể dẫn đến những hệ quả nguy hiểm.
Thứ nhất, việc xâm hại bí mật đời tư của người khác tạo ra môi trường sống thiếu văn minh, kém lành mạnh, dẫn đến sự nghi kỵ, e dè lẫn nhau giữa cộng đồng dân cư.
Thứ hai, hành vi xâm phạm bí mật đời tư có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường cả về khía cạnh kinh tế lẫn danh dự, uy tín hay thậm chí là sức khỏe, tính mạng.
Như đã phân tích, hành vi thu thập, mua bán, sử dụng thông tin cá nhân của người khác có thể đem lại cho đối tượng thực hiện những nguồn lợi tài chính rất lớn. Do đó, nhiều người đã bất chấp quy định pháp luật để trục lợi trên chính lợi ích hợp pháp của người khác. Nhiều trường hợp người dùng facebook, zalo… bị đánh cắp tài khoản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có trường hợp bị lợi dụng thông tin cá nhân để lập tài khoản tại các tổ chức tín dụng nhằm vay tiền hay làm công cụ phạm tội cho các đối tượng xấu.
Ở một khía cạnh khác, việc xâm phạm bí mật đời tư còn có thể gây ra những hệ quả đau lòng cho nhiều cá nhân cũng như gia đình của họ. Thực tế tại Việt Nam, trong thời gian qua đã có những vụ việc tự tử hay trầm cảm vì bị phát tán video nhạy cảm của cá nhân lên các ứng dụng mạng xã hội. Đau lòng hơn, trong số đó có những nạn nhân còn chưa đủ tuổi thành niên.
Hành vi xâm phạm bí mật đời tư có thể gây ra những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống tinh thần, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Cuối năm 2019, một nữ ca sĩ trẻ nổi tiếng tại Việt Nam bị kẻ xấu đột nhập vào hệ thống lưu trữ dữ liệu camera an ninh tại nhà riêng để trích xuất và phát tán những video nhạy cảm của cô. Điều này đã khiến cô rơi vào tình trạng lo lắng và bất ổn về tinh thần. Bên cạnh đó, khi nắm giữ các thông tin nhạy cảm thuộc về đời tư của người khác, những đối tượng xấu có thể tiến hành đe dọa hay tống tiền. Hành vi này là hành vi nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân và đe dọa đến sự an toàn của đời sống xã hội.
Từ những phân tích trên, có thể thấy hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân là hành vi trái pháp luật, có khả năng gây ra những thiệt hại nặng nề về danh dự, nhân phẩm, tài sản hay thậm chí là sức khỏe, tính mạng của con người. Chính vì vậy, vấn đề cấp thiết được đặt ra hiện nay đó là cần phải có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn những hành vi tiếp cận, tiết lộ, sử dụng thông tin cá nhân của người khác khi chưa được cho phép.
Bí mật đời tư là một quyền dân sự quan trọng đối với đời sống của mỗi cá nhân. Việc tôn trọng và thực thi hiệu quả quyền bí mật đời tư là cơ sở để góp phần thúc đẩy sự văn minh, an toàn của đời sống xã hội. Tuy nhiên thực tế hiện nay, do những đặc thù của nền kinh tế số, thông tin cá nhân có thể trở thành một món hàng hóa có giá trị để trao đổi, thậm chí trở thành cơ hội để các đối tượng xấu trục lợi bất chính. Chính vì vậy, hiện nay, việc nâng cao nhận thức của người dân về quyền bí mật đời tư là một yêu cầu hết sức bức thiết, tạo tiền đề cho người dân nắm bắt những kỹ năng của như kiến thức cơ bản để bảo vệ thông tin cá nhân của mình trước những hành vi xâm phạm. Để thực hiện được mục tiêu này, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật và huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương (2016), Tài liệu Hỏi đáp về pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
- Dương Thị Cẩm Hằng (2017), Quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay, luận văn thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
- https://vnexpress.net/facebook-bi-phat-645-000-usd-vi-lam-lo-du-lieu-nguoi-dung-3829647.html, 24/12/2022
- https://vov.vn/cong-nghe/tin-moi/hon-8-trieu-nguoi-dung-bi-lo-thong-tin-vi-ung-dung-nay-post936108.vov, 24/12/2022
Tin mới
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực sư phạm cho sinh viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông - 15/04/2024 09:26
- Khát vọng bình đẳng trong tư tưởng của Nguyễn Du - 14/02/2024 08:01
- Từ phương pháp bạo lực cách mạng của Đảng đến sự ra đời của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - 15/01/2024 01:02
- Tìm hiểu lý luận của Chủ nghĩa Mác Lê Nin về thương mại quốc tế trong chủ nghĩa tư bản - 12/01/2024 08:02
- KHUNG NĂNG LỰC SỐ THEO QUAN ĐIỂM CỦA UNESCO - 17/12/2023 08:18
Các tin khác
- Giữ gìn và phát huy giá trị nhân văn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 11/08/2023 08:28
- Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu kinh tế Vũng Áng - 11/08/2023 08:27
- Nâng cao vai trò của Giáo viên cố vấn học tập nhằm tăng cường chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hà Tĩnh - 27/06/2023 16:37
- Tăng trưởng xanh trong mục tiêu phát triển con người - 18/03/2023 09:35
- Libido, vô thức động lực chính của sự sinh tồn và văn minh - 14/02/2023 03:21