Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một vài cảm nhận về cách thức dạy và học ở môi trường Đại học

Tác giả: Đinh Tiên Hoàng - Đăng ngày: .

Hiệu quả của việc dạy và học đó là sinh viên tích lũy được gì sau khi môn học kết thúc, ngoài yếu tố tư duy người học quyết định thì hình thức lên lớp cũng như cách thức chuẩn bị mỗi học phần đóng góp nhiều quan trọng

           Đổi mới phương thức giảng dạy cũng như hình thức đào tạo đang là vấn đề cấp thiết với các trường đại học hiện nay. Ngoài những vấn đề như nâng cao chuyên môn giảng dạy, tinh lọc giờ lý thuyết để ưu tiên cho những giờ thực tế hay áp dụng công nghệ vào việc giảng dạy, thì phương pháp giảng dạy cũng như cách thức đào tào là những vấn đề rất đáng để quan tâm.

anh1

Dạy học bằng thiết bị di động, tại sao không ?

Đối với Đại học Hà Tĩnh, việc chúng ta vẫn còn giữ các thói quen giảng dạy theo hình thức niên chế trong khi quy chế áp dụng lại là đào tạo theo hình thức tín chỉ dẫn tới nhiều điều bất cập. Bên cạnh đó, chưa phát huy hết sự tối ưu của hệ thống công nghệ thông tin áp dụng cho công tác dạy và học. Sau đây tôi xin chia sẻ một vài cảm nhận của mình trong công tác dạy học trong những năm qua ở trường.

1. Chuẩn bị cho môn học

Mỗi niên khóa đào tạo chúng ta đều có sổ tay đào tạo, đề cương môn học cho mỗi mã ngành đào tạo, điều đó có nghĩa là sinh viên có thể update thông tin học kỳ mà không cần chờ thời khóa biểu cụ thể. Từ đó các em có thể thông qua cổng thông tin điện tử của Phòng đào tạo dowload đề cương môn học và tìm tài liệu môn học từ cổng thông tin thư viện điện tử củ trường, và ngay buổi đầu tiên giảng viên chỉ mất 1 giờ tín chỉ (gtc) để khái quát nội dung học phần và giới thiệu về môn học, mục đích, yêu cầu, cũng như hình thức lên lớp. Thế nhưng, đa phần sinh viên cuả trường hiện nay phải chờ lúc lên lớp mới nhận đề cương môn học từ giáo viên, và giảng viên gần như mất trọn buổi học đầu tiên để giới thiệu về môn học vì sinh viên còn mơ hồ do chưa được tiếp xúc tài liệu từ trước, hoặc giảng viên phải dạy chay. Thậm chí có những môn học giảng viên lên lớp mới phát hiện sinh viên chưa được học môn tiên quyết. Điều này đã làm hạn chế đi rất nhiều sự hiệu quả của môn học.

2. Sử dụng hiệu quả đề cương môn học

Đề cương môn học chính là tóm lược kiến thức cũng như nhiệm vụ đặt ra cho giảng viên cũng như sinh viên trong một học phần. Trong đề cương môn học có hai mục quan trọng, đó là nội dung mà giảng viên truyền tải và mục sinh viên phải chuẩn bị. Ở các trường khác, trong mục nội dung mà giảng viên truyền tải là những nội dung kiến thức trong từng chương, hay trong từng vấn đề mà giảng viên sẽ giới thiệu hoặc dẫn giải cho sinh viên. Trong khi đó ở mục sinh viên chuẩn bị đó là đọc các tài liệu mà giảng viên cung cấp. Thế nhưng nhiều đề cương môn học của mình ở phần này lại bắt sinh viên phải soạn bài chi tiết các nội dung của chương hoặc của vấn đề như: phân tích, bình luận, đánh giá, nhận định, v.v.. điều này là không thực sự chuẩn xác, bởi lẽ đó là nhiệm vụ của giảng viên, sinh viên chưa được giảng viên giới thiệu về nội dung thì rất khó thực hiện những điều nêu trên. Điều căn bản nhất phải là nhiệm vụ của giảng viên, còn việc của các em chỉ là đọc, đọc ở đâu và đọc cái gì.

3. Sự lỗi thời của “soạn bài ở nhà”

Hai hình ảnh mà chúng ta dễ dàng bắt gặp ở những trường đại học lớn, đó là một sinh viên với một ba lô nặng sách, và một sinh viên tay cầm quyển vở và cây bút. Có thể gọi đó là "mọt sách" hay "tài tử" trên giảng đường. Thậm chí có những sinh còn chưa từng lên giảng đường nhưng vẫn học qua các môn bình thường, thậm chí kiến thức còn tốt hơn cả những người hằng ngày vẫn chăm chỉ lên ngồi để lấy điểm “chuyên cần”.

Việc yêu cầu sinh viên phải lên lớp, yêu cầu sinh viên phải chuẩn bị bài ở nhà là điều đã lỗi thời, chỉ có trong đào tạo niên chế. Hiệu quả tôi nhận thấy được từ việc chuẩn bị bài ở nhà của sinh viên còn đối phó, đó là việc sinh viên thức thâu đêm trước buổi học chỉ để chép nguyên xi giáo trình hoặc tài liệu lấy trên mạng. Sinh viên dường như chuẩn bị bài vì sợ bị cô giáo đuổi ra khỏi lớp, chỉ bởi sợ bị thấp điểm nhận thức thái độ.

4. Sử dụng công nghệ để phục vụ giảng dạy

Bây giờ rất nhiều giảng viên giữ quan điểm thầy cô lên lớp phải là bảng sạch chữ đẹp và nội dung trật tự ngay ngắn, đó là tiêu chí gần như cốt lõi để đánh giá một người thầy trong việc truyền tải nội dung. Cá nhân tôi cho rằng đó là điều không thật sự phù hợp với giáo dục hiện đại. Những tiêu mục đã có sẵn trong tài liệu, trong đề cương và sinh viên đã có thể biết, giảng viên không cần phải mất quá nhiều thời gian để ghi lên bảng. Nhiều trường Đại học đã bố trí bảng trong nửa giảng đường để giảng viên có thể ghi bất cứ điều gì và bất cứ ở vị trí nào khi thầy di chuyển trong lớp học, thậm chí với những phần mềm kết nối trung gian, nhà trường chỉ cần phát wifi tốt thì người thầy có thể dạy ngay trên điện thoại di động của mình mà không cần đến sự hỗ trợ của bảng.

Điều bắt buộc đối với giáo viên lên lớp là phải có đề cương, giáo án, sổ điểm. Điều này khá phiền phức. Đi dạy thì giảng viên ai cũng có giáo án, thậm chí những người dạy hay thì giáo án luôn sẵn trong đầu và được chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu đó là một học phần tâm đắc. Phòng đào tạo phải cung cấp đề cương trước cho sinh viên, và tất nhiên nó cũng phải nằm trong máy tính của người dạy, tại sao nhất thiết phải là bản cứng trong cặp? Còn sổ điểm, tại sao chúng ta gửi bản mềm cho giảng viên vào điểm vào cuối học kỳ mà lại không gửi vào đầu mỗi học kỳ để giáo viên sử dụng nó ngay trên máy tính, sau mỗi học kỳ thì trả lại cho phòng khảo thí với bản đã có điểm thành phần? Nếu như bây giờ, người thầy lên lớp chỉ với một chiếc Iphone, hay một chiếc Ipad có được không? Tôi nghĩ là được.

Đây chỉ là những vấn đề trong rất nhiều vấn đề giảng dạy mà tôi cảm nhận được, cá nhân tôi luôn cho rằng trước mỗi buổi lên lớp tôi sẽ phải nói những gì, sinh viên tiếp thu được những gì và sự tương tác hai chiều là bao nhiêu? Tôi cũng xin chia sẻ những cảm nhận đó với tất cả các thầy cô, hy vọng điều đó sẽ có ích để tăng hiệu quả của việc dạy và học.

 

 

 

Tags: dạy và học Đại học, sử dụng công nghệ vào giảng dạy sử dụng đề cương môn học, đào tạo theo tín chỉ