Đổi mới phương pháp dạy và học theo định hướng phát triển năng lực là sự vận dụng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác Lê Nin trong quá trình dạy học
Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng mục đích của nhận thức là để cải tạo thế giới. Thực tiễn chính là cơ sở, là động lực và mục tiêu của nhận thức. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực chính là sự vận dụng nguyên lý đó trong quá trình dạy và học.
Hiểu một cách chung nhất, dạy học theo định hướng phát triển năng lực là dạy học định hướng kết quả đầu ra, nhằm mục tiêu phát triển năng lực người học, chú trọng năng lực vận dụng kiến thức trong giải quyết các tình huống thực tiễn. Cốt lõi của dạy học theo định hướng năng lực là hướng tới học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động. Chính vì thế phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực không chỉ chú ý tích cực hoá người học về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn.
Nếu dạy học theo định hướng nội dung giúp sinh viên biết được những gì thì dạy học theo định hướng phát triển năng lực giúp sinh viên có thể làm được những gì. Sinh viên không những học để biết, mà còn học để làm, học để chung sống và cao hơn nữa là học để tự khẳng định mình. Nhất là trong nền kinh tế thị trường và cách mạng 4.0, sinh viên cần có đầy đủ các năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể để đáp ứng yêu cầu xã hội và nâng cao năng lực cạnh trạnh trong thị trường lao động.
Trong các trường đại học hiện nay, ở tất cả các ngành đào tạo, các môn khoa học Mác - Lênin có số lượng là 10 tín chỉ, gồm các môn: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung các môn khoa học Mác - Lênin là những vấn đề có tính lý luận, khái quát hóa, trừu tượng hóa cao, nếu chỉ có tái hiện kiến thức mà không chú trọng vận dụng kiến thức trong giải quyết các tình huống thực tiễn, trải nghiệm bằng xử lý tình huống thì sinh viên rất khó nắm bắt và hiểu biết được nội dung bản chất của vấn đề. Chính vì vây cần phải đổi mới phương pháp dạy học theo năng lực để có thể phát triển toàn diện năng lực của sinh viên.
Tóm lại việc đổi mới phương pháp dạy và học theo định hướng phát triển năng lực đối với các môn khoa học Mác - Lênin không những trang bị cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học mà còn giúp sinh viên vận dụng thế giới quan, phương pháp luận đó xử lý mọi tình huống thực tiễn của cuộc sống và nghề nghiệp bằng chính sự nhận thức và kỹ năng của mình.
Hiện nay, việc dạy học các môn khoa học Mác - Lênin ở Trường Đại học Hà Tĩnh đang được tích cực đổi mới theo định hướng phát triển năng lực người học.Thực chất đổi mới phương pháp dạy học ở nước ta hiện nay là quá trình thực hiện bước chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học; từ phương pháp dạy học theo cách “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất; từ chỗ chú trọng người học học cái gì đến việc chú trọng người học vận dụng được cái gì qua việc học.
Trong thời gian qua, quán triệt quan điểm của Đảng và thực hiện chủ trương của nhà trường, đội ngũ giảng viên các môn khoa học Mác - Lênin ở Trường Đại học Hà Tĩnh đã tích cực đầu tư chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, khơi dậy cảm hứng và tính chủ động cho người học. Khoa Chính trị - Luật, Trường Đại học Hà Tĩnh đã thực hiện cải tiến chương trình theo hướng chuẩn đầu ra. Nếu như trước đây, mục tiêu của chương trình hướng tới là trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và xác định thái độ cho sinh viên thì hiện nay mục tiêu mà chương trình đào tạo hướng tới là trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Và nếu như trước đây, mục tiêu đó chỉ được xác định chung cho cả chương trình thì hiện nay, mục tiêu đó được xác định cụ thể rõ ràng hơn trong chuyên đề của chương trình và từng tuần của kỳ học. Điều đó chứng tỏ chương trình mới nhấn mạnh hướng tới phát triển năng lực cá thể của người học; xác định mục tiêu học để tự khẳng định mình trong từng bài giảng và từng tiết giảng cụ thể.
Bên cạnh cải tiến chương trình, đội ngũ giảng viên Khoa Chính trị - Luật đã tích cực trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Các phương pháp dạy học truyền thống đã được thay thế dần bằng những phương pháp dạy học hiện đại, tích cực hóa vai trò của người học, như: yêu cầu sinh viên về nhà soạn bài theo sự hướng dẫn của giảng viên, sau đó lên lớp yêu cầu sinh viên trình bày bài soạn của mình; có những nội dung giảng viên yêu cầu sinh viên phai tự học, tự nghiên cứu sau đó giảng viên kiểm tra kết quả sự tự học tự nghiên cứu đó của sinh viên. Các giờ giảng trên lớp không còn là sự thuyết giảng một chiều của giảng viên theo kiểu thầy giảng trò ghi chép mà đã có sự tương tác giữa thầy và trò, sinh viên tham gia tích cực trong quá trình dạy học. Bên cạnh đó, nhà trường đã bố trí tuần đọc sách trong các kỳ học, yêu cầu sinh viên đọc tài liệu theo sự hướng dẫn của giảng viên. Việc đó đã giúp nâng cao khả năng tự học tự nghiên cứu của sinh viên.
Hiện nay, 100% giảng viên của khoa Chính trị - Luật đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Bên cạnh việc giảng dạy trên giảng đường theo cách truyền thống 100% giảng viên của khoa đã sử dụng google classrom để dạy online, tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học ở mọi nơi mọi lúc, khai thác dữ liệu trên internet từ kênh hình, kênh tiếng bổ sung làm phong phú tư liệu tham khảo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã thực sự tạo ra sự thuận lợi lớn cho người học. Từng cá nhân sinh viên có thể tương tác, nhận sự trợ giúp của thầy giáo mà không phải trực tiếp. Giảng viên cũng có thể cá thể hóa người học để có thể hỗ trợ quá trình phát triển năng lực cá nhân một cách sát sao.
Cùng với đổi mới phương pháp dạy và học, Trường Đại học Hà Tĩnh nói chung, Khoa Chính trị - Luật nói riêng đã tăng cường các hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo hướng tích cực.
Trước đây, việc kiểm tra đánh giá môn học thông qua các điểm số được quy định chung gồm có: điểm kiểm tra thường xuyên (thường mỗi môn học, tùy vào số tín chỉ sẽ có 1 hoặc 2 con điểm), điểm chuyên cần, điểm nhận thức thái độ, điểm thực hành (nếu có) và điểm kiểm tra giữa kỳ. Trung bình chung các điểm số đó chiếm tỷ trọng 40% trong đánh giá kết thúc môn học. Còn hiện nay, theo chương trình mới được chỉnh sửa thì cơ số điểm kiểm tra đánh giá được tăng lên nhiều hơn. Nếu như trước đây một học phần chỉ có 01 hay 02 con điểm kiểm tra thường xuyên thì hiện nay con số đó được nâng lên thành 12 con điểm, bên cạnh điểm chuyên cần, điểm nhận thứ thái độ điểm thực hành (nếu có) và điểm thi giữa kỳ. Điểm trung bình chung của quá trình học này chiếm tỷ trọng 50% trong việc tính kết quả cuối cùng đánh giá kết thúc môn học, tăng thêm 10% so với trước đây.
Việc đổi mới kiểm tra đánh giá trên có nhiều ưu điểm: nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá phong phú hơn, linh hoạt hơn; sinh viên được kiểm tra đánh giá nhiều hơn, có ý thức trách nhiệm hơn trong từng giờ học; giảng viên nhìn thấy rõ hơn sự phấn đấu cố gắng của mỗi sinh viên…Tuy nhiên, hiện nay các lớp học những môn khoa học Mác - Lênin ở Trường Đại học Hà Tĩnh thường là lớp ghép, có rất đông sinh viên, việc mỗi sinh viên phải có 16 con điểm cho mỗi môn học là việc khá vất vả.
Tóm lại, đổi mới phương pháp dạy và học các môn khoa học Mác Lênin là việc làm thường xuyên của đội ngũ giảng viên khoa Chính trị - Luật, Trường Đại học Hà Tĩnh. Quá trình đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Tin mới
- Đổi mới phương pháp dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật theo định hướng phát triển năng lực - 16/12/2024 02:20
- Phẩm chất, năng lực và dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học- một vài kinh nghiệm trao đổi - 16/12/2024 02:19
- Thực trạng năng lực tự học của sinh viên Lào tại trường Đại học Hà Tĩnh - 07/10/2024 00:12
Các tin khác
- GIÁO DỤC Ý THỨC CHÍNH TRỊ CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY - 12/08/2024 10:33
- MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ VĂN HÓA SỐ CỦA SINH VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM - 19/07/2024 08:49
- Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn giáo dục kinh tế và pháp luật - 11/06/2024 08:46
- Giáo dục quyền con người trong chương trình môn giáo dục kinh tế và pháp luật cấp trung học phổ thông - 07/05/2024 00:58
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực sư phạm cho sinh viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông - 15/04/2024 09:26