Thực trạng năng lực tự học của sinh viên Lào tại trường Đại học Hà Tĩnh
Năng lực tự học của sinh viên có thể được hiểu là “tổng hợp các hiểu biết đúng đắn, đầy đủ của SV về tự học, vai trò của tự học cùng với kỹ năng tự học, thói quen tự học tích cực đúng đắn và khả năng sử dụng các hình thức, phương pháp tự học hiệu quả của sinh viên”. Đối với sinh viên Lào đang theo học các chuyên ngành đại học tại Trường Đại học Hà Tĩnh, việc nâng cao năng lực tự học đóng vai trò rất quan trọng đối với chất lượng đào tạo nói chung, kết quả học tập nói riêng. Từ sự trải nghiệm giảng dạy các lớp đại học có sinh viên Lào trong hơn 10 năm qua; từ kết quả trao đổi, phóng vấn các giảng viên đã và đang tham gia giảng dạy các lớp đại học có sinh viên Lào; từ kết quả khảo sát, chúng tôi khái quát những ưu điểm, hạn chế về năng lực tự học cùng nguyên nhân của những hạn chế đó như sau:
- Về ưu điểm
Thứ nhất, đại đa số SV Lào đều có nhận thức rõ về vấn đề tự học, về cả nội dung, hình thức, phương pháp, cách thức tự học đến tầm quan trọng của việc tự học đối với việc học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện ở môi trường đại học.
Thứ hai, đa số SV Lào đều đã thực hiện việc tự học tại ký tức xá, giảng đường và thư viện với các hình thức, phương pháp khác nhau.
Thứ ba, một số SV Lào có ý thức tự học cao và có thói quen tự học thường xuyên; biết khắc phục các khó khăn, rào cản về ngôn ngữ, tâm lý và điều kiện sống, học tập; biết tận dụng các thuận lợi trong môi trường học tập tại Trường Đại học Hà Tĩnh để tự học bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau.
- Về hạn chế
Thứ nhất, một số SV Lào chưa có nhận thức đúng về vai trò của việc tự học đối với hiệu quả học tập; chưa đặt mục tiêu cho việc tự học.
Thứ hai, một số SV Lào chưa có ý thức tự học, chưa có thói quen tự học, chưa có kế hoạch học tập cụ thể và chưa dành thời gian cần thiết cho việc tự học cũng như chưa hoàn toàn tập trung, nghiêm túc trong khi tự học.
Thứ ba, một số SV Lào đang thực hiện việc tự học với mục đích chính là để hoàn thành các yêu cầu của giảng viên đưa ra và sẽ kiểm tra, đánh giá như soạn bài, hoàn thành bài tập, bài thảo luận ở nhà hay ôn tập chỉ để làm bài kiểm tra, làm bài thi.
Thứ tư, trong việc tự học, đa số SV Lào chỉ mới đọc, nghiên cứu các học liệu chính như giáo trình, bài giảng; chứ chưa đọc, nghiên cứu thêm những học liệu tham khảo và các tài liệu có liên quan đến các học phần nói riêng và chuyên ngành đào tạo nói chung.
Thứ năm, đa số SV Lào tiến hành tự học bằng việc đọc lại giáo trình, tài liệu để ghi nhớ những nội dung cơ bản hay để làm các bài tập được giao chứ chưa đào sâu suy nghĩ, chưa tìm tòi khám phá để nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, nhất là tư duy phản biện, tư duy lôgíc.
Thứ sáu, đa số SV Lào sử dụng hình thức tự học học một mình hoặc thỉnh thoảng tự học bằng cách trao đổi với một vài bạn cùng phòng; rất ít SV học theo nhóm, tham gia câu lạc bộ học tập; rất ít SV Lào thường xuyên lên thư viện để tự học; rất ít SV trao đổi, hỏi giảng viên về nội dung bài học để hiểu thêm các nội dung kiến thức chưa rõ hay để có kiến thức sâu rộng hơn.
Thứ bảy, SV Lào chưa biết khắc phục các khó khăn về nơi ở, tâm lý, văn hóa, rào cản về ngôn ngữ (hạn chế về tiếng Việt trong giao tiếp, học tập) để tự học tốt hơn.
- Nguyên nhân của những hạn chế
Một là, SV Lào sống và học tập xa quê hương, đất nước nên nhu cầu kết nối, sinh hoạt chung cao, thường xuyên tụ tập để giao lưu, hay tổ chức đi chơi theo nhóm sau các buổi học và trong các ngày nghỉ. Điều này chiếm nhiều thời gian của SV Lào và ảnh hưởng lớn đến việc tự học của các em.
Hai là, số lượng SV Lào ở cùng một phòng trong ký túc xá khá đông, không gian phòng ở còn hẹp và chưa yên tĩnh nên SV khó có thể tự học tốt.
Ba là, SV Lào, nhất là SV nam dành quá nhiều thời gian cho việc chơi thể thao vào buổi chiều tối nên sau khi vệ sinh và ăn tối xong, các em thường mệt mỏi và lười tự học; hơn nữa thời gian cho tự học vào buổi tối cũng đã bị rút ngắn.
Bốn là, SV Lào gặp rào cản lớn về ngôn ngữ. Mặc dù đã được học 1 năm tiếng Việt nhưng do chất lượng đầu vào (về mặt tư duy) của đa số SV Lào mấy năm gần đây không cao như trước nên trình độ tiếng Việt của các em rất hạn chế, nhất là trong kỹ năng nghe, đọc và viết. Vì vậy, các em khó tiếp cận kiến thức, khó nắm bắt kiến thức nhanh và đầy đủ. Đồng thời, từ đó các em cũng tự ti, ngại hỏi và trao đổi với giảng viên để hiểu, mở rộng và nâng cao kiến thức cho mình.
Tự học, tự nghiên cứu - một yêu cầu bắt buộc đối sinh viên với thời lượng chiếm đến 30% trong đào tạo theo tín chỉ có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học đại học của sinh viên nhằm thực hiện nhiệm vụ "biến quá trình đạo tạo thành quá trình tự đào tạo của sinh viên". Do đó, bên cạnh yêu cầu cần phải có các giải pháp về phía ban lãnh đạo Trường, các phòng ban chức năng và các khoa hướng vào tổ chức tốt việc tự học cho sinh viên Lào, thì bản thân sinh viên Lào cần phải tích cực, chủ động, tự giác trong tự học và có phương pháp tự học hiệu quả.
Các tin khác
- Đổi mới phương pháp dạy và học theo định hướng phát triển năng lực là sự vận dụng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác Lê Nin trong quá trình dạy học - 16/08/2024 18:33
- GIÁO DỤC Ý THỨC CHÍNH TRỊ CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY - 12/08/2024 10:33
- MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ VĂN HÓA SỐ CỦA SINH VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM - 19/07/2024 08:49
- Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn giáo dục kinh tế và pháp luật - 11/06/2024 08:46
- Giáo dục quyền con người trong chương trình môn giáo dục kinh tế và pháp luật cấp trung học phổ thông - 07/05/2024 00:58