Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Gương đạo đức cách mạng cố tổng bí thư Trần Phú với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hà - Đăng ngày: .

“Lịch sử Đảng ta là một pho sử bằng vàng”, một trong những chất liệu tạc nên pho sử ấy là tên tuổi của các anh hùng đã ngã xuống vì tự do cho đất nước. Trong những trang sử ấy có người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh,  đồng chí Trần Phú – tổng bí thư đầu tiên của Đảng, người chiến sỹ cộng sản kiên cường, mẫu mực. Với lời dặn dò “hãy giữ vững chí khí chiến đấu” trước lúc đi xa của Trần Phú mãi mãi là phương châm hành động của mỗi cán bộ đảng viên chúng ta trong mọi thế hệ. Với cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng Trần Phú đã để lại tấm gương chói lọi về “”đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.


 

       Xuất thân từ một gia đình nhà nho có tinh thần yêu nước, trải qua những năm tháng tuổi thơ đau buồn và cơ cực (mồ côi cha, mẹ khi chưa đầy 10 tuổi) song với nỗ lực phấn đấu năm 14 tuổi ông đỗ bằng tiểu học Pháp Việt, được học ở Quốc học Huế và là học sinh xuất sắc môn pháp văn. Trong thời gian này ông tham gia hội “thanh niên tu tiến hội” để cùng đọc sách và giúp đỡ nhau tiến bộ. Năm 18 tuổi ông đỗ đầu kỳ thi thành chung và làm giáo viên trường tiểu học Cao Xuân Dục. Trong số những học trò ưu tú của thầy giáo Trần Phú sau này có nhiều chiến sỹ cộng sản kiên trung như Nguyễn Ngọc Ba, Minh Khai, Nguyễn Duy Trinh….

 

      Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đã đưa ông sớm đến với cách mạng và trở thành người lãnh đạo ưu tú – tổng bí thư  đầu tiên của Đảng. Trên cương vị tổng bí thư Trần Phú đã có nhiều đóng góp quan trọng về phương diện lý luận đặc biệt là việc xây dựng Đảng ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn vào việc “bônsêvích hóa" về tư tưởng trong hàng ngũ đảng"[5;Tr2]. . Do sự phản bội của Ngô Đức Trì, ngày 18-4-1931 Trần Phú bị bắt tại Sài Gòn. Kẻ thù đã không từ bất kỳ thủ đoạn tàn bạo nào hòng khuất phục, moi tin từ Trần Phú song mỗi hành động, lời nói của ông luôn thể hiện chí khí của người cộng sản. Với kẻ thù Trần Phú quyết không đầu hàng, khi ra tòa thấy quan tòa hỏi mãi ông  chép miệng: “Ông đã thiết tha muốn biết tên tôi quá như thế, thì đây: tên tôi là Trần Phú”. Thế rồi im bặt, cho đến khi anh hy sinh"[3]. Với anh em đồng đội Trần Phú dặn dò: hãy ráng mà giữ vững tinh thần chiến đấu. Ngày 6.9.1931 Trần Phú trút hơi thở cuối cùng khi đang độ tuổi xuân rực rỡ (27 tuổi) với lời căn dặn bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.  Trần Phú là tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, tận trung với nước, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giai cấp với niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng. Là tấm gương vượt qua muôn vàn khó khăn của một người thầy giáo, là tấm gương về khí tiết của một người chiến sỹ cộng sản cao đẹp. Với cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng Trần Phú đã để lại tấm gương chói lọi về “”đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”[2; Tr160]

 

       Giáo dục đạo đức cách mạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác giáo dục, nó là cơ sở nền tảng hình thành "con người mới" vừa "hồng", vừa "chuyên” để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, là một trong những vấn đề cấp bách đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng XHCN đi đúng hướng.

 

      Sinh viên là nguồn lực cơ bản của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần quan trọng vào sự phát triển của kinh tế tri thức, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng ta nhiều lần khẳng định: Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa của con người Việt Nam. Như vậy, bên cạnh rất nhiều lớp đối tượng khác trong xã hội, thanh niên và sinh viên trở thành lớp đối tượng cần được coi trọng nhất trong việc thực hiện công tác giáo dục đạo đức. Trong khi ấy, một thực tế đang diễn ra "những tiêu cực do cơ chế thị trường nảy sinh đang lan vào các trường đại học, cao đẳng đã ảnh hưởng không tốt đến các hoạt động của nhà trường, làm giảm sút chất lượng học tập và đạo đức, lối sống trong một bộ phận sinh viên... nguy hại hơn là sự xói mòn, xuống cấp đạo đức, phẩm chất của một bộ phận sinh viên”[1; Tr154]. Trước thực trạng đó thiết nghĩ việc xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh không chỉ dừng lại ở hô hào, tuyên truyền, kêu gọi mà cần thực hiện thông qua những tấm gương đạo đức cách mạng. Trong nhà trường việc giáo dục đạo đức có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau song giáo dục bằng phương pháp nêu gương vẫn là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất.

 

       Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng cố tổng bí thư Trần Phú trong trường đại học, cao đẳng cho sinh viên theo chúng tôi cần tập trung vào mấy nội dung sau:

 

          Một là, giáo dục lẽ sống cho sinh viên thông qua việc tìm hiểu tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú trong chương trình giáo dục công dân đầu khóa, đầu năm.

 

        Ngày nay sự tác động khách quan của cơ chế thị trường, "diễn biến hòa bình" hết sức phức tạp của các thế lực thù địch trên mọi phương diện nhất là trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ tụt hậu, lạc hậu, tệ nạn, tiêu cực… Vấn đề cốt lõi là phải trang bị cho sinh viên lẽ sống vì lẽ sống sẽ quyết định mục đích cuộc sống, động lực của sự phấn đấu, đồng thời cũng quyết định toàn bộ tình cảm cũng như hành vi đạo đức của mỗi người. Qua đó, sinh viên tự thấy được giá trị, ý nghĩa và mục đích đời sống của con người, do vậy, tình cảm, ý chí và đạo đức cách mạng trong sáng được nâng lên. Có thể nói rằng đó là "bức tường thép" để ngăn chặn lối sống vô đạo đức, nêu cao tình thần đấu tranh bảo vệ chân lý, lên án cái xấu, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi mọi tiêu cực, suy thoái góp phần quan trọng ngăn chặn những biểu hiện thoái hóa. Vì vậy, trong chương trình giáo dục công dân đầu năm cần chủ động xây dựng chương trình giáo dục, tuyên truyền tấm gương đạo đức Trần Phú. Về nội dung chương trình giáo dục công dân, ngoài việc học tập quy chế, quy định chung cần đưa tấm gương đạo đức cách mạng Trần Phú vào để nghiên cứu và học tập. Cần đưa ra chủ đề về đạo đức cách mạng Trần Phú vào các giờ Xêmina qua đó hướng dẫn, gợi ý, dẫn dắt sinh viên thể hiện các quan điểm, nhận thức và thái độ về đạo đức, lẽ sống của mình. Giảng viên cần tạo điều kiện cho sinh viên trình bày những suy nghĩ, ý kiến cá nhân của mình, liên hệ giữa lý luận và thực tiễn. Có thể coi đây là một nội dung nằm trong trục cốt lõi giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên.

 

        Hai là: phát huy vai trò tích cực của các tổ chức, đoàn hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng Trần Phú cho sinh viên

 

Giáo dục là hoạt động mang tính xã hội, là quá trình tác động của các chủ thể giáo dục. Trong bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách  chủ thể giáo dục trong nhà trường không chỉ riêng đội ngũ giảng mà còn có vai trò không nhỏ của các chủ thể khác như: Đảng ủy, Ban giám hiệu, Phòng công tác chính trị, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên… Sinh viên với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức sẽ lĩnh hội những giá trị trong nội dung giáo dục, biến nó thành những nguyên tắc, định hướng, chi phối suy nghĩ và hành động của chính mình để tự hoàn thiện nhân cách sao cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống. Để phát huy được vai trò của các tổ chức đoàn, hội theo chúng tôi các tổ chức đoàn, hội một mặt chủ động kết hợp với giáo viên trong đánh giá rèn luyện sinh viên, tạo nhiều hình thức thi đua, rèn luyện, kiểm tra, đánh giá. Mặt khác, trong công tác đoàn, hội cần chủ động phối hợp để xây dựng và tổ chức các chương trình, hội thảo tuyền truyền thân thế, sự nghiệp, đạo đức cách mạng cố tổng bí thư Trần Phú cho đoàn viên. Tổ chức triển khai các chương trình hành động một cách thường xuyên đi vào chiều sâu, thiết thực, cụ thể, có tính khả thi cao với các hình thức tổ chức hợp lý về thời gian, địa điểm. Biến các đợt kỷ niệm trở thành đợt sinh hoạt tư tưởng, chính trị sâu rộng với nhiều hoạt động thiết thực như thi tìm hiểu về thân thế sự nghiệp đồng chí Trần Phú, viết về gương tập thể cá nhân tiên tiến, cổ vũ các em tham gia các hội thảo khoa học về đồng chí Trần Phú, tổ chức đua xe đạp về quê hương đồng chí Trần Phú... Trong mỗi nội dung hoạt động cần có sự đánh giá tổng kết, khen thưởng, kỷ luật thật khách quan để qua đó khích lệ được sự năng động sáng tạo của tuổi trẻ. Thông qua những hoạt động thực tiễn này sinh viên sẽ được rèn luyện và trưởng thành hơn qua đó củng cố được niềm tin vào chính bản thân mình và có một bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi thử thách và khó khăn của cuộc sống, trước những kích động lôi kéo của các thế lực thù địch, có khả năng chống lại những luận điểm sai trái.

 

       Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong bồi dưỡng đạo đức cách mạng theo gương Trần Phú

 

      Giáo dục là hai mặt thống nhất biện chứng trong một quá trình, một mặt là sự tác động từ bên ngoài vào đối tượng được giáo dục, mặt khác đối tượng tự biến đổi bản thân, tự hoàn thiện nâng cao mình lên qua giáo dục. Để đạt được kết quả cao trong rèn luyện đạo đức sinh viên phải luôn có thái độ  nghiêm túc, luôn chủ động, tích cực phát huy năng lực tự giác. Tính tích cực, chủ động của sinh viên không chỉ thể hiện trong học tập mà còn được thể hiện rõ trong thái độ tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên và của các tổ chức khác phát động. Tính tích cực, chủ động còn thể hiện một mặt trong động cơ, thái độ đúng đắn mặt khác thể hiện ở ý thức tổ chức, kỷ luật. Tính tổ chức, kỷ luật được thể hiện ở ý thức chuyên cần, tính tích cực học tập và rèn luyện, thái độ nghiêm túc và trung thực trong thi cử, thái độ cầu thị trong cuộc sống. Tính tự giác, chủ động tự giáo dục tự rèn luyện của sinh viên chính là con đường ngắn nhất để hình thành, hoàn thiện những phẩm chất đạo đức của người lao động mới.

 

     Biểu tượng người chiến sỹ cộng sản Trần Phú đang tỏa sáng trên quê hương Hà Tĩnh. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, ý chí cách mạng kiên cường, khí phách hiên ngang và niềm tin mãnh liệt vào thẳng lợi của cách mạng của đồng chí Trần Phú là nguồn sức mạnh cổ vũ các thế hệ học tập, phấn đấu. Biết giữa gìn và phát huy “chí khí chiến đấu” góp phần vững chắc xây dựng thành công CNXH theo con đường Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.

 

Tài liệu tham khảo

  1.  Công tác tư tưởng và giảng dạy lý luận trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay (2002), NXB TP Hồ Chí Minh.
  2. Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội 2000, t.6.
  3. Tập san tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dịp kỷ niệm Đảng Cộng sản Đông Dương hai mươi tuổi (1930-1950).
  4. Tổng bí thư Trần Phú & quê hương Đức Thọ, Huyện ủy Đức thọ, Hà Tĩnh 2004.
  5. web: //123.30.190.43;8080/tieng viet/tulieuvankien/tulieuvedang;
  6. web: http://gdtx-tranphu.namdinh.edu.vn;
  7. web: www.quan5.hochiminhcity.gov.vn.